Cá nhân vi phạm hành chính bị cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vừa qua, một số cá nhân đã bị cưỡng chế khấu trừ tài khoản do cố tình không nộp phạt. Vậy, điều này được thực hiện trong trường hợp nào, ai có thẩm quyền yêu cầu khấu trừ tài khoản cá nhân?

Mới đây, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng vừa có quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 cá nhân cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2 không có giấy phép.

Trước đó, đơn vị này đã làm việc với ông N.P.T về hoạt động thiết lập trang thông tin điện tử có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng tại địa chỉ tên miền game247.vn.

Trang thông tin điện tử này có tổng cộng 12.160 trò chơi điện tử sử dụng công nghệ JavaScript Games, chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi (gọi tắt là trò chơi điện tử G2).

Chánh Thanh tra Sở đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T về hành vi “cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2 khi không có Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” với số tiền là 42,5 triệu đồng. Song, quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt, ông N.P.T vẫn không tự nguyện nộp tiền.

Do đó, Thanh tra Sở TTTT đã thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản đối với ông T. Tổ chức tín dụng nơi ông N.P.T mở tài khoản đã giữ lại trong tài khoản của ông này số tiền tương đương với số tiền bị phạt và trích chuyển vào ngân sách Nhà nước.

Về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản trong xử phạt vi phạm hành chính, Điều 13 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định, đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản là tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.

Quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản bao gồm các nội dung: Số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; số tiền bị khấu trừ, lý do khấu trừ; họ tên, số tài khoản của cá nhân, tổ chức bị khấu trừ; tên, địa chỉ, số tài khoản của Kho bạc Nhà nước….

Khi nhận được quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản, cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm yêu cầu tổ chức tín dụng nơi mình mở tài khoản chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của Kho bạc Nhà nước.

Như vậy, việc khấu trừ tiền từ tài khoản tại tổ chức tín dụng của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế được thực hiện trên cơ sở các chứng từ thu theo quy định hiện hành. Chứng từ thu sử dụng để khấu trừ tiền lương hoặc thu nhập được gửi cho các bên có liên quan.

Sau khi thu tiền, Kho bạc Nhà nước nơi nhận tiền khấu trừ có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.