Xử lý vi phạm nước thải tại các khu công nghiệp (2)

Buông lỏng quản lý

ANTĐ -Theo quy định, nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp (KCN) phải được xây dựng, bảo đảm hoàn thành đưa vào vận hành trước thời điểm các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều KCN ở Hà Nội không thực hiện yêu cầu đó…
Công ty Toyoda Giken, tại KCN Nội Bài bị phát hiện xả thải ra môi trường

Chưa thể khắc phục

Thông tư 08/2009/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường “Quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, KCN và cụm công nghiệp (CCN)” nêu rõ: Nhà máy xử lý nước thải tập trung phải được thi công, xây dựng theo đúng tiến độ và thiết kế trong dự án đầu tư đã được phê duyệt, đảm bảo hoàn thành và đưa vào vận hành trước khi các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các KCN, CCN đi vào hoạt động.

Quy định là vậy, tuy nhiên nhiều KCN ở Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đó. Nói về thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Bình, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường - Ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội khẳng định: Đây là hệ quả “quá khứ để lại”, bởi nhiều KCN tại Hà Nội phát triển lên từ CCN vừa và nhỏ, có kết cấu hạ tầng lạc hậu, không được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải. Quan trọng hơn, các KCN, CCN hiện nay hoạt động trước thời điểm Thông tư 08 được ban hành.

Đơn cử tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai, đoàn kiểm tra của Ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội; Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường; Thanh tra Tổng cục Môi trường… đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN sớm xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nhưng viện dẫn lý do thiếu vốn, không có quỹ đất xây dựng, chủ đầu tư KCN này vẫn khất lần đến nay.

Hay tại KCN Nội Bài, dự án đi hoạt động từ năm 1996, khi chưa có Luật Bảo vệ môi trường. Tại thời điểm đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN được phê duyệt chỉ yêu cầu thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, còn nước thải sản xuất các doanh nghiệp tự xử lý trước khi xả ra môi trường. Trung tá Nguyễn Anh Dũng - Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường nói: Báo cáo đánh giá tác động môi trường phê duyệt như vậy, lực lượng chức năng không thể xử phạt họ. Vì thế mà nhiều doanh nghiệp hoạt động tại đây vẫn tìm cách xả thải trộm ra môi trường. Điển hình, cuối tháng 5-2011, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã phát hiện, bắt quả tang Công ty Toyoda Giken, tại KCN Nội Bài chôn ngầm đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Theo cơ quan công an, Công ty Toyoda Giken có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng để tiết kiệm chi phí vận hành, doanh nghiệp đã thiết kế ống ngầm xả thải trộm.

Đá “bóng” trách nhiệm

“Danh sách đen” những doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong KCN, có hành vi “đầu độc” môi trường tiếp tục được nối dài. Trước mỗi vụ việc bị phát hiện, lực lượng chức năng mới chỉ tập trung điều tra, làm rõ, xử phạt vi phạm chủ doanh nghiệp, mà “quên” việc xử lý trách nhiệm liên đới của BQL, chủ đầu tư hạ tầng các KCN để xảy ra vi phạm. Phần trách nhiệm được quy định rõ trong các văn bản pháp luật.

Theo đó, cùng với việc kinh doanh, cho thuê đất, BQL KCN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Cùng với đó, BQL KCN phải chủ động giám sát, phát hiện và kịp thời thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ môi trường để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, trong hàng trăm vụ, việc vi phạm về môi trường tại KCN, được Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường phát hiện thời gian qua, rất ít tin do BQL KCN cung cấp, mà đa phần do nhân dân tố giác, hoặc qua công tác trinh sát của lực lượng công an - Trung tá Nguyễn Anh Dũng cho biết.

Có thể hiểu vì sao BQL, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN thường im lặng, bỏ ngoài tai các vi phạm về môi trường. Là công ty kinh doanh hạ tầng, nhưng lại được giao trách nhiệm như một đơn vị quản lý, trong khi đó, mối quan hệ giữa công ty kinh doanh hạ tầng và các đơn vị trong KCN chỉ gắn kết bởi hợp đồng kinh tế thuê đất. Điều này khiến cho họ khó có thể thực hiện được các chức năng liên quan đến lĩnh vực môi trường, như việc giám sát hoạt động xả nước thải của các doanh nghiệp đầu tư tại KCN.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Bình, đó chưa phải khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường tại các KCN hiện nay. Bất cập lớn nhất ở chỗ, hiện có quá nhiều đơn vị cùng quản lý, giám sát, thanh kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường tại KCN như: Cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên môi trường; Tổng cục Môi trường, các Phòng Tài nguyên môi trường cấp quận, huyện… Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp của các KCN là Ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội lại không có các chức năng đó. Việc có nhiều đầu mối giám sát, quản lý có thể khiến các đơn vị này “đá bóng” trách nhiệm cho nhau - ông Bình cho biết.