Nét đặc trưng của xe buýt ở nước ngoài là chỉ bán vé theo đúng số lượng ghế tuyệt đối không “nhồi” thêm khách dẫn đến tình trạng đứng, ngồi chen chúc nhau. Ở nước ta, việc đi xe buýt cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng khác luôn rất nhộn nhạo, vô tổ chức. Do cơ chế thị trường tác động, nên lái xe buýt chỉ dừng đỗ ở các bến trong thời gian ngắn vài chục giây, nên cảnh hành khách chen lấn, xô đẩy nhau diễn ra thường xuyên. Tình trạng này gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và làm mất mỹ quan đô thị. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tội phạm trộm cắp, móc túi trà trộn hoạt động.
Đối tượng đi xe buýt ở nước ta chủ yếu là học sinh, sinh viên và những người làm việc tại các công sở trong giờ hành chính. Sáng sớm và giờ tan tầm, mật độ hành khách đi xe buýt rất đông. Do vậy, để tránh tình trạng lộn xộn về trật tự công cộng tại các bến xe buýt, ý thức của người tham gia giao thông trên loại phương tiện này phải được nâng lên. Đã đến lúc ngay tại các công sở, trường học, cần có “chiến lược” tuyên truyền về văn hóa đi xe buýt. Có như vậy, tình trạng lộn xộn, mất ANTT tại các bến xe buýt và trên loại phương tiện giao thông công cộng này mới giảm. Chúng ta đang chủ trương “xã hội hóa” loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng là xe buýt. Đề nghị các cấp, ngành và toàn dân hãy chung tay, chung sức tạo nên nét đẹp văn hóa “xe buýt”, để dịch vụ này có chỗ đứng vững chắc, không thể thiếu trong cuộc sống.