Bụi mây phóng xạ ít khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam

(ANTĐ) - Theo thông tin từ Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Bộ KH-CN) cho biết, những ngày qua, các chuyên gia kiểm xạ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã mở rộng vùng kiểm xạ cách nhà máy từ 56-200 km.

Bụi mây phóng xạ ít khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam

(ANTĐ) - Theo thông tin từ Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Bộ KH-CN) cho biết, những ngày qua, các chuyên gia kiểm xạ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã mở rộng vùng kiểm xạ cách nhà máy từ 56-200 km.

Nồng độ chưa nguy hại

Kiểm tra nồng độ phóng xạ cho người dân
Kiểm tra nồng độ phóng xạ cho người dân

Kết quả đo đạc của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nhật Bản (MEXT) thực hiện tại 47 thành phố cho thấy, giá trị đo được vẫn thấp hơn nhiều so với mức có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Đại diện Tổ công tác xử lý thuộc Bộ KH-CN cũng cho hay, MEXT đã đo phóng xạ trong môi trường biển khu vực xung quanh nhà máy Fukushima I. Các mẫu nước biển lấy từ 8 địa điểm khác nhau sẽ được phân tích tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) và kết quả sẽ được công bố vào hôm nay, 24-3.

Ông Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, một số trạm đo đạc phóng xạ môi trường ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia và Philippines chưa phát hiện hạt nhân phóng xạ. Tại Việt Nam, 2 Trung tâm Quan trắc ở Hà Nội và Đà Lạt cũng chưa ghi nhận bất kỳ dấu hiệu nào khác thường. Ngoài ra, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) đã tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ từ 3 công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản (1 người sống ở Tokyo, 1 người sống ở Yokohama và 1 lưu học sinh ở Sendai ). Kết quả đo không phát hiện thấy các đồng vị phóng xạ trong cơ thể của những người được kiểm tra.

Bụi phóng xạ khó về Việt Nam

Trong hôm qua 23-3, một số báo điện tử dẫn lời của ông Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho rằng, khoảng ngày 25-3, mây phóng xạ sẽ đến Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày cuối tháng 3, tháng 4 và tháng 5-2011, hoàn lưu chủ yếu chi phối khu vực Bắc châu Á là các hệ thống gió theo hướng từ phía tây sang phía đông. Do vậy, trong khoảng thời gian trên, ít có khả năng những tro bụi hoặc các chất thải độc hại (kể cả bụi phóng xạ) chứa trong các khối không khí có thể di chuyển ngược lại về phía Tây và Tây Nam để ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam châu Á.

Thực tế đã chứng minh, sự cố nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Liên bang Nga), chỉ có các nước ở phía đông và phía tây cùng vĩ độ địa lý của nhà máy này mới bị ảnh hưởng của bụi phóng xạ, thậm chí, tại Mông Cổ và địa lục Trung Quốc không bị ảnh hưởng của bụi phóng xạ.

Về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở xa về phía Tây Nam của Nhật Bản và nằm ở vĩ độ rất thấp so với vị trí của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (thuộc khu Đông Bắc Nhật Bản). Lãnh đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, cùng với phân tích về hoàn lưu gió trong thời gian tới có thể kết luận, khu vực Việt Nam khó có thể bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ do sự cố nhà máy điện nguyên tử tại Nhật Bản gây ra.

Hải Dương