“Bóp” nơi này phình chỗ kia

ANTĐ - Theo Quyết định của UBND TP Hà Nội, từ 15-2, các điểm trông giữ xe trên 262 tuyến phố bắt đầu bị xóa bỏ nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay. Việc thực thi sẽ khó khăn, khi mà nhu cầu đỗ ô tô, xe máy của người dân là rất lớn nhưng hạ tầng lại chưa đáp ứng được.

Giải tỏa không kiên quyết sẽ khó mang lại kết quả

262 tuyến phố không được đỗ xe

Các điểm trông giữ xe trên 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Long Biên và Hoàng Mai sẽ bị thu hồi trước ngày 15-2.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, trước đây, Hà Nội đã rất nhiều lần ra tay dẹp loạn vỉa hè, lòng đường, như hồi cuối năm 2011 vừa qua, liên ngành CATP - GTVT đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm, phạt gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, việc tái lấn chiếm xảy ra, trật tự, kỷ cương vỉa hè không thể lập lại.

Tháng 2-2011, liên ngành CATP-GTVT đã đề xuất UBND  TP xem xét các tuyến phố được dừng, đỗ xe và các tuyến phố cấm. “Việc cấm trông giữ phương tiện trên các tuyến phố liên ngành dựa trên 2 tiêu chí cụ thể. Với các tuyến phố có mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5m và vỉa hè có mặt cắt ngang nhỏ hơn 5m sẽ không cấp phép trông giữ xe; với các trục giao thông, đường vành đai, tuyến đường hướng tâm có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, các điểm đỗ, bãi đỗ xe nằm cạnh các ngã ba, ngã tư, các tuyến phố đưa đón đoàn ngoại giao và các khu vực bảo vệ cũng không cấp phép trông giữ xe”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, ngay sau khi có quyết định của UBND TP, Sở GTVT đã thông báo đến chủ các điểm trông giữ xe, các quận. “Dù đã có quyết định của UBND TP nhưng việc thu hồi cũng phải có trình tự, bài bản và đúng pháp luật, có lý có tình. Những điểm trông giữ xe vẫn còn hạn thì phải trả lại kinh phí cho chủ các bến, bãi, hoặc tạo điều kiện thêm thời gian cho họ thông báo cho các chủ xe đến đưa phương tiện đi”. Tính đến ngày 15-2, cơ bản chủ các điểm trông giữ xe nằm trong diện bị thu hồi đã chấp hành.

Lo ngại việc tái vi phạm sau khi giải tỏa, hơn nữa, việc thu hồi các bến, bãi đỗ xe sẽ khiến người dân loay hoay, không biết gửi xe vào đâu, bởi, hiện Hà Nội có hơn 1.200 điểm đỗ xe công cộng nhưng các điểm đỗ này nhỏ lẻ, mới đáp ứng được gần 10% nhu cầu của người dân. Số còn lại phải đỗ ngoài đường hoặc tại các điểm trông giữ tự phát. Ngay cả các điểm đỗ của thành phố như Ngọc Khánh, Dịch Vọng, Nam Thăng Long, Kim Ngưu… được xây dựng theo quy hoạch và chỉ phục vụ mục đích đỗ xe nhưng hiện nay cũng chỉ tiếp nhận được 2.863 ô tô.

Quyết liệt mới có hiệu quả

Theo tính toán của cơ quan chức năng, một ô tô con cần diện tích giao thông tĩnh 25m2, xe máy 3m2 và giao thông động (khi xe lưu thông) ô tô cần 45m2, xe máy cần 15m2, song, diện tích mặt đường của 9 quận trên chỉ bằng một nửa so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, thời gian phương tiện đi lại trên đường hằng ngày chỉ rơi vào từ 1,5 đến 2,5 giờ, số còn lại (khoảng 22 giờ) chủ yếu là đứng im nên cần các điểm đỗ công cộng.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, trong bối cảnh GTĐT có hạn hiện nay, giao thông tĩnh chưa đủ để đáp ứng tốc độ phát triển thì vì mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, chúng ta phải ưu tiên lòng đường, vỉa hè cho giao thông. Và, đây cũng là một trong những giải pháp nhằm giảm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Song, Sở GTVT sẽ xem xét, đề xuất một số tuyến phố có lưu lượng giao thông ít để làm điểm trông giữ xe thay thế. Ông Hùng cho biết, từ hôm nay 16-2, liên ngành CATP - GTVT sẽ kiểm tra việc chấp hành của các chủ điểm đỗ, nếu nơi nào không tự giác thực thi, lực lượng chức năng sẽ giải tỏa và xử phạt theo NĐ 34 của Chính phủ.

Theo ý kiến của Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, cần sớm triển khai thu hồi giấy phép trông giữ xe của các điểm trên 262 tuyến phố như quy định. “Thu hồi đến đâu xóa vạch sơn đến đó, đồng thời cắm biển cấm đỗ xe. Ngay sau giai đoạn 1, liên ngành CATP- GTVT phải tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để. Tránh tình trạng như thời gian trước đây”.

Hà Nội đã đề ra việc lập lại trật tự kỷ cương lòng đường, vỉa hè đã lâu, nhất là trong bối cảnh giao thông ùn tắc, lòng đường bị lấn chiếm buôn bán, trông giữ xe, người đi bộ không còn  đường đi. Tuy nhiên, sau nhiều lần xử phạt ráo riết thì tái vi phạm vẫn xuất hiện. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Thùy, hiện, lực lượng chức năng đã có “gậy” là quyết định của UBND TP, do đó phải kiên quyết, làm liên tục, lập lại trật tự đô thị trong thời gian tới.