- Thường xuyên ngậm kẹo để tránh tụt huyết áp, có thể tổn thương thần kinh vĩnh viễn
- Dùng đèn sưởi đá muối Himalaya chữa tiểu đường, chưa đỡ bệnh đã phải nhập viện cấp cứu
- Chữa bướu cổ bằng đắp lá tại Hưng Yên, một phụ nữ bị bỏng loét, suy kiệt

Bệnh nhân T. bị bỏng độ 3 ở 2 gót chân, có nguy cơ hoại tử
Bệnh nhân T. vừa được chuyển từ Bệnh viện tỉnh xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương để điều trị trong tình trạng vết thương ở gót chân sưng nề, tấy đỏ, chảy mủ đục, có dấu hiệu hoại tử, lan rộng ra 1/2 bàn chân.
Theo lời kể từ người nhà, bệnh nhân T. mắc đái tháo đường đã 7 năm nay, gây di chứng tê bì chân tay, mất cảm giác. Gần đây, nghe theo lời mách bảo của người quen, vợ ông đã sử dụng lá ngải cứu, lá lốt và rượu gừng trộn lại, rang nóng lên và đắp vào chân ông. Thời gian đắp lá khoảng 15 – 20 phút/ lần.
Sau một thời gian đắp lá đều đặn như trên, thấy ông T. đi lại có vẻ nhẹ nhàng hơn nên vợ ông tin chắc rằng đây là phương thuốc hiệu nghiệm. Cách đây 1 tuần, do có việc bận, vợ ông T đã đắp lá vào vùng chân cho chồng và nhờ cháu mình ở nhà trông. Tuy nhiên, cháu bé tuổi còn nhỏ nên mải chơi, không nhớ nhấc túi chườm ra cho ông T. Kết quả là chân ông bị bỏng nặng vùng gót.
Một ngày sau, vết bỏng ở gót chân phồng rộp, vỡ ra, chảy nước, gia đình đưa ông T. vào bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Phúc điều trị rồi chuyển tiếp xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Khi vào viện, bệnh nhân ho nhiều, sốt cao, thở ôxy liên tục. Vết thương ở gót chân rất nghiêm trọng. Hiện bệnh nhân vẫn đang phải điều trị tích cực.
Các bác sĩ cảnh báo, đối với bệnh nhân đái tháo đường, do không thể kiểm soát được nhiệt độ nên rất dễ bị bỏng nếu chườm nóng hay đắp thuốc nóng lên cơ thể. Vì thế, người bệnh đái tháo đường nếu muốn ngâm chân, đắp lá cần có người thân túc trực bên cạnh, liên tục kiểm tra nhiệt độ và thời gian sử dụng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.