Xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm:

"Bóng hồng" Hải Dương nói về nỗi khổ vì Chủ tịch OceanBank

ANTD.VN - Sáng nay (3-3), phiên tòa xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm lần lượt thẩm vấn các bị cáo từng giữ chức giám đốc các chi nhánh của Oceanbank về việc chi lãi ngoài. Đáng chú ý nhất là lời khai của hai “bóng hồng” trong vụ án.

Như Báo ANTĐ thông tin, ở hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OecanBank) cùng 44 bị cáo đều từng cán bộ dưới quyền lần lượt bị xem xét về việc chi lãi suất tiền gửi ngoài hợp đồng trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hành vi của 45 bị cáo này được xác định là đã gây thiệt hại cho OecanBank hơn 1.576 tỷ đồng.

Để làm rõ từng khoản tiền bị thiệt hại cụ thể tương ứng với việc chi trả lãi suất ngoài hợp đồng ở cấp chi nhánh, HĐXX đã triệu tập Nguyễn Thị Kiều Liên (SN 1978) – cựu nữ Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu lên trước vành móng ngựa. Và theo truy tố, cựu nữ giám đốc chi nhánh này đã chi hơn 30 tỷ đồng lãi suất vượt trần. Còn nói theo cách của OecanBank là chi “chăm sóc khách hàng”.

Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên - cựu Giám đốc OceanBak Vũng Tàu tại phiên tòa

Trước tòa, Liên trình bày, sau khi cựu Chủ tịch OceanBank cùng một số người bị khởi tố, bị cáo thực sự lo lắng và băn khoăn về các khoản tiền “chăm sóc khách hàng”  mà khách hàng đã nhận. Thế nên ngay lập tức bị cáo đã cố gắng liên lạc với khách hàng và cố thu lại tiền đã chi nhưng hầu hết mọi người đều tránh gặp mặt.

Có một số khách hàng khi gặp mặt thì chỉ viết ra giấy và nhất quyết không chịu nói một lời. Bị cáo đã  cố gắng trình bầy rất nhiều là “Tôi chỉ là người làm công ăn lương thôi và chỉ làm theo công việc. Bây giờ bị liên đới, mong được mọi người giúp đỡ, trả lại tiền”. Và theo “bóng hồng này”, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có một đơn vị trả lại tiền nhưng không ký xác nhận.

Nói về những khó khăn trong việc huy động vốn và áp lực công việc, bị cáo Liên giãi bày, bối cảnh thị trường năm 2011 rất khó khăn, xe của ngân hàng và khách luôn đứng chờ ở cửa lấy tiền, thậm chí người của nhiều ngân hàng khác liên tục đứng ở quầy chờ lấy tiền. Lúc đó, bị cáo chỉ nhận thức được là “chăm sóc khách hàng” để giữ chân họ.

Theo cựu nữ Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu, có nhiều hình thức chi để giữ chân khách hàng. Trong khi đó, Hà Văn Thắm tuyên bố: “Nếu anh chị nào không huy động được tiền, không làm được việc thì đứng ra một bên cho người khác làm”. Và thực tế là nhiều người đã phải điều chuyển hoặc không giữ được công việc của mình.

"Bóng hồng" Hải Dương - Trần Thị Thu Hương khai phải bán nhà để khắc phục hậu quả

Tiếp tục kể tội “sếp”, bị cáo Liên trình bày, quá trình chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, Hà Văn Thắm luôn nói sẽ có nguồn hợp lý để hỗ trợ cho chi nhánh. Cùng với đó, cựu Chủ tịch OecanBank còn hùng hồn tuyên bố: “Đã có những quyết sách”, khiến nhân viên như các bị cáo rất trân trọng và tin “sếp”. “Không ngờ bị cáo lại có ngày hôm nay” – cựu nữ Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu tỏ ra đau khổ.

Hòng nhận được sự cảm thông của những người “cầm cân nảy mực”, bị cáo Liên tiếp tục trình bày mở rộng hơn: “Việc huy động vốn, chúng tôi làm rất có hiệu quả, nhưng cáo trạng lại không thể hiện rõ mức lợi nhuận”. Sau cùng, “bóng hồng” kể về nỗi khổ sở với Hà Văn Thắm khẳng định: “Việc làm của tôi là để có hiệu quả cho ngân hàng và để giữ cho chúng tôi có công ăn việc làm”.

Tương tự, bị cáo Trần Thị Thu Hương (SN 1974) – cựu Giám đốc Chi nhánh Hải Dương cũng nói về nỗi khốn khổ của bản thân mà cội nguồn là do Hà Văn Thắm gây ra. Theo đó, “bóng hồng” trình bày bị VKS truy tố do đã chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho khách hàng tổng cộng 29,5 tỷ đồng.

Trong số tiền “chăm sóc khách hàng” này thì các doanh nghiệp ở Hải Dương đã nhận hơn 8 tỷ đồng với nhiều hình thức vừa bằng tiền mặt và vừa bằng quà. Riêng Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại nhận hơn 6 tỷ đồng và chưa nộp lại đồng nào. Và theo cựu nữ Giám đốc Chi nhanh Hải Dương, hiện mới chỉ có một doanh nghiệp trả lại hơn 400 triệu đồng. 

Nói về số tiền 1,3 tỷ đồng nộp vào tài khoản của cơ quan tố tụng, bị cáo Hương trình bày, do tiền “chăm sóc khách hàng” thu lại chẳng được bao nhiêu nên trong quá trình giải quyết vụ án, gia đình bị cáo đã phải bán cả căn nhà để có tiền khắc phục hậu quả.

Chốt phần lời khai của mình, “bóng hồng” Hải Dương trình bày: “Bị cáo vô cùng băn khoăn vì chi nhánh của bị cáo luôn có lãi. Trong khi đó, bị cáo không bàn bạc và cũng không hề được biết nguồn tiền chi lãi ngoài là từ đâu. Bị cáo không hiểu vì sao lại bị truy tố về tội cố ý làm trái”.