Bồn cầu thông minh tạo ra nước và điện

ANTĐ - Với mục tiêu là giá rẻ, dễ sử dụng và độ bền cao, một nhà vệ sinh “xanh” không dùng nước nhưng vẫn tạo ra nước sạch và điện năng sẽ được các nhà khoa học tại Đại học Cranfield(Anh) lắp đặt thử nghiệm tại Ghana, quốc gia Tây Phi vừa hứng chịu đại dịch Ebola. Dự án đầy hứa hẹn này có thể giúp khoảng 2,3 tỷ người trên hành tinh được tiếp cận với nhà vệ sinh khép kín và an toàn.

Bồn cầu thông minh tạo ra nước và điện ảnh 1

Công nghệ màng Nano độc đáo

Có bề ngoài tương tự như những sản phẩm thông thường khác nhưng khi nắp bồn cầu thông minh được đóng lại, phần đáy của nó sẽ trút tất cả các chất thải vào một buồng lắng. Nhờ sử dụng cơ chế xoay vòng nên mùi khó chịu của chất thải sẽ không thể bốc ra ngoài được. Sau đó, chất thải được lọc thông qua một lớp màng Nano đặc biệt giúp tách các phân tử nước bốc hơi từ phần còn lại của chất thải để ngăn ngừa các mầm bệnh có thể phát tán ra bên ngoài.

Tiếp đó, nước sẽ đi qua một buồng chứa đầy “hạt Nano hút nước”, giúp làm ngưng đọng lượng nước đã bốc hơi rồi rơi xuống khu vực tích trữ nước nằm phía bên dưới bồn cầu. Nước này có thể dùng để giặt giũ quần áo và tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Còn lại là chất thải rắn sẽ được chuyển sang một buồng khác.

Trong tương lai gần, các nhà khoa học sẽ lập kế hoạch đưa số chất thải rắn này tới một nhà máy chuyên dụng để xử lý thành tro và năng lượng. Nguồn năng lượng này tuy nhỏ nhưng có thể sử dụng để phục vụ quy trình lọc màng Nano, sạc pin điện thoại, hay một số thiết bị nhỏ gọn khác.

Như vậy, sản phẩm thải ra từ toàn bộ quy trình xử lý của bồn cầu chỉ là tro hình thành từ việc đốt chất thải rắn. Tro thành phẩm này rất an toàn, không chứa mầm bệnh nên có thể sử dụng để bón cho cây trồng trong nông nghiệp. Theo các nhà khoa học của Đại học Cranfield, chiếc bồn cầu này có thể dùng để xử lý chất thải rắn của 1 hộ gia đình gồm khoảng 10 người.

Chi phí không quá 1.000 đồng/ngày

Theo thống kê, hiện nay, trên thế giới có hơn 650 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch và hơn 2,3 tỷ người không được sử dụng nhà vệ sinh khép kín và an toàn. Nhiều giải pháp và nghiên cứu đã được đưa ra song chi phí cho chúng là quá lớn, chưa phù hợp với đại đa số người nghèo. Trong khi đó, dự kiến, nhà vệ sinh màng Nano sẽ được các hộ gia đình tại Ghana thuê qua một tổ chức địa phương với mức giá khoảng 5 cent (tương đươnghơn 1.000 VND)/người/ngày.

Lợi ích nữa mà chiếc bồn cầu này mang lại là nó không chỉ sạch sẽ, thuận tiện, không mùi, không cần nước mà còn rất hữu hiệu ở những nơi khó thoát nước, không có nguồn điện và thiếu nước sinh hoạt.

Nếu thành công sau khi triển khai thí điểm tại Ghana, bồn cầu thông minh này có thể được lắp đặt tại những khu vực dành cho quân đội, khu công nghiệp, du thuyền hay các sự kiện ngoài trời. Hy vọng, công nghệ mới này của các nhà khoa học tại Trung tâm Thiết kế sáng tạo Đại học Cranfield sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường thiên nhiên.

“Chúng tôi rất vui mừng vì giải pháp sáng tạo công nghệ này được cấp chứng nhận quốc gia. Chúng tôi có thể khẳng định, Nano Membrane Toilet có khả năng thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người trên hành tinh chúng ta”, Giáo sư Elise Cartmell, Giám đốc Công nghệ môi trường tại Đại học Cran- field cho biết. Được biết, sản phẩm này của các nhà khoa học Đại học Cranfield đã giành được giải thưởng CleanEquity Monaco 2015 và sẽ được triển khai tại Ghana vào cuối năm nay.