Bội thu ngân sách, nỗ lực phát triển nền kinh tế

ANTD.VN - Trong nhiều năm trở lại đây, ngân sách nhà nước luôn trong tình trạng bội chi kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay ngân sách nhà nước đã thoát khỏi tình trạng bội chi. Đây được xem là thành quả đầu tiên trong nỗ lực cân bằng cán cân thu chi ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực phát triển nền kinh tế đi lên.

Ngân sách bội thu

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm hết tháng 04/2017, ngân sách nhà nước ta không còn bội chi như vài năm trở lại đây, ngược lại còn bội thu khoảng 3,09 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, tổng thu ngân sách đạt khoảng 396,47 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,7% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng chi ngân sách đạt khoảng 393,38 nghìn tỷ đồng, tương đương 28,3% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, năm 2016, mức thâm hụt ngân sách nước ta đạt khoảng 192 nghìn tỷ đồng, còn năm 2015 là 256 nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ có sự chuyển biến tích cực trên nhờ nỗ lực đưa ngân sách thoát khỏi tình trạng bội chi đã kéo dài trong nhiều năm của các cấp cơ quan nhà nước. Các giải pháp tăng nguồn thu bằng cách áp dụng kỷ luật nhằm nhanh chóng thu hồi nợ đọng thuế, đồng thời giảm chi tiêu ngân sách hợp lý đều được thực hiện nghiêm túc.

Đầu năm nay, Nghị quyết số 01/NQ-CP được ban hành ngày 01/01/2017 là đầu tàu định hướng thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế và dự toán ngân sách. Nghị quyết nhấn mạnh, thực hiện quản lý chặt chẽ các hoạt động chi tiêu nhà nước sẽ là giải pháp thiết thực giúp ổn định cán cân ngân sách nhà nước. Theo đó, các bộ ngành, địa phương cần tiết kiệm ngân sách nhà nước một cách triệt để, siết chặt quản lý và kỷ luật nếu có sai phạm với cái dự toán chi ngân sách, đặc biệt là chi phí dành cho các hoạt động công không có tác động thúc đẩy nền kinh tế và thường gây lãng phí như tổ chức sự kiện, lễ hội, nghi lễ khách thành, công tác, họp hội, mua sắm xe công. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 ( nợ trung và dài hạn là cơ sở để quyết định đầu tư công ) đặt mục tiêu bội chi ngân sách năm 2017 không quá 3,38% GDP và năm 2018 không quá 3.3% GDP.

Ảnh hưởng đến nền kinh tế

Ngân sách nhà nước là yếu tố tác động trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia. 

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Chi, giảng viên khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, khi ngân sách nhà nước bị thâm hụt, vay nợ công dưới hình thức vay nợ trong nước qua kênh trái phiếu Chính phủ và vay nợ nước ngoài là một trong những nguồn lực chính để bù đắp cho thâm hụt ngân sách, vì vậy bội chi kéo dài sẽ làm cho nợ công tăng, tạo áp lực lên chính sách quản lý nợ và chính sách đầu tư, hơn nữa nợ công tăng có nguy cơ gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Trong 5 năm qua, tăng trung bình nợ công nước ta cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2012, nợ công là 50,8% GDP, sang năm 2013 tăng lên 54,5%, tính đến cuối năm 2016 con số này đã lên đến 64,73% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ chiếm 53,62% GDP.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương, nhìn chung tình hình ngân sách nhà nước nước ta còn nhiều vấn đề trong chi ngân sách, tăng chi thường xuyên chậm hơn tăng chi đầu tư, nguồn chi đầu hạn hẹp và ngày càng thấp xuống, từ đó làm triệt tiêu động lực kinh doanh của doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất.

TS. Trần Du Lịch thì cho rằng, hiện tại chi đầu tư phát triển nước ta đang còn tồn tại những quan niệm từ thời bao cấp là một phần của đầu tư không hiệu quả và gây lãng phí nguồn ngân sách. Đơn cử, chi đầu tư xây dựng cơ bản nước ta gồm những khoản chi xây dựng trụ sở, xe công, đây là những khoản chi tiêu dùng dài hạn, không phải chi đầu tư, chúng ta gom chung những khoản tiêu dùng này vào đầu tư, cứ ngỡ là đầu tư lớn nhưng thành ra không phải, ông Lịch nhận xét. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần cảnh báo, nếu không có giải pháp chấm dứt tình trạng trong vấn đề chi tiêu ngân sách nhà nước hiện nay thì có thể xảy ra sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia.