Bồi hồi Rừng Sác

ANTĐ - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, hay còn gọi là Rừng Sác được biết đến không chỉ vì hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn, mà còn nổi tiếng với những chiến công mang sắc màu huyền thoại của những chiến sỹ đặc công anh dũng năm nào. 

Di tích Rừng Sác nằm ở huyện Cần Giờ, cách trung tâm TP.HCM 40 km về hướng Đông Nam. Ô tô dừng lại ở thị trấn Cầm Thạch, vào Rừng Sác, những chiếc ca nô sẽ tiếp tục đưa du khách lướt nhanh trên những con lạch ngoằn ngoèo. Mọi người sẽ không khỏi thích thú khi được nghe những âm thanh thiên nhiên của muôn loài nuông thú, mắt ngắm những chú cá thòi lòi nhảy vọt lên mặt nước rồi nhanh như cắt lặn sâu xuốn đáy lạch trong veo. Đàn khỉ hàng ngàn con dạn người, thân thiện đùa giỡn. Những con cá sấu lớn nhỏ hiền lành, lười nhác nằm phơi mình  hai bên bờ lạch trông đáng sợ, nhưng chúng chẳng tấn công ai. Ca nô cập bến, ta đắm chìm vào một không gian được tái hiện như trong thời chiến - một phần cuộc sống và chiến đấu của bộ đội đặc công mang biệt danh T10 - sau này đổi thành Đoàn 10. Những mái lá rải rác khắp nơi, với những Hội trường, Trạm xá, Nhà hậu cần, Sở chỉ huy, Nhà chế tạo vũ khí tự tạo, Hầm trú ẩn… nối với nhau bằng con đường giữa rừng được xây dựng bằng nguyên liệu tại chỗ: Tre, nứa, thân mắm, đước…

Nằm ở trung tâm căn cứ là Đài tưởng niệm liệt sĩ Rừng Sác. Uy nghi giữa rừng xanh ngút ngàn sương khói, du khách qua đây, kể cả cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến chốn này năm xưa, đều thắp một nén nhang. Trên căn cứ địa Rừng Sác đã có 860 chiến sĩ đa phần mới mười tám, đôi mươi ngã xuống nhưng chỉ 1/3 trong số họ là có mộ chí.

Ấn tượng nhất là những bức tượng sống về các chiến sĩ đặc công Rừng Sác được tạo dựng lại. Góc này là cảnh các chiến sĩ đang trình bày phương án tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè. Nơi kia một nhóm mình trần, quần xà lỏn đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Dưới lạch một chiến sĩ quần nhau với cá sấu hung dữ. Ở đầu bìa rừng, cấp chỉ huy giao nhiệm vụ và tiễn các chiến sĩ trẻ ra trận. Kia nữa, bên bể nước mưa hứng từ ngọn cây, o du kích nhỏ quần áo bà ba, cổ quấn khăn rằn đang chưng cất nước ngọt từ nước mặn theo kiểu nấu rượu… Đến đây tận mắt trông thấy cảnh sinh hoạt, chiến đấu của “Anh Giải phóng quân… con người đẹp nhất”, trong lòng mỗi người đều trào dâng một tình cảm trân trọng, khâm phục và lòng biết ơn.

Trước khi chia tay Rừng Sác du khách dừng chân viếng, dâng hương Lăng ông Thủy Tướng Cần Giờ, chiêm ngưỡng bộ cốt cá ông dài 12m. Đừng từ chối tấm thịnh tình của gia chủ khi mời  khách món ăn dân dã: Sắn luộc chấm muối vừng thơm bùi - món ăn quen thuộc của chiến sĩ đặc công Rừng Sác  năm xưa.