Bộ Y tế: Giảm 105 lãnh đạo cấp phòng, tiếp tục kiện toàn thêm nhiều cơ quan

ANTD.VN - Từ 94 phòng trong các vụ, cục của Bộ Y tế, sau khi sắp xếp, thu gọn lại hiện đã giảm xuống còn 59 phòng, giảm được 35 phòng và giảm 105 lãnh đạo cấp phòng. Tới đây, Bộ Y tế vẫn sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức y tế…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tiến độ triển khai bệnh án điện tử tại BVĐK tỉnh Quảng Ninh

Ngày 24-7, Bộ Y tế đã khai mạc Hội nghị công tác tổ chức cán bộ năm 2019. Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, hệ thống tổ chức bộ máy của ngành y tế từ tuyến trung ương đến địa phương được xây dựng thống nhất, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả.

Hiện tại, Bộ Y tế cũng đang xây dựng đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế Trung ương: Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung ương và Cơ quan Quản lý Thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Trang thiết bị y tế Trung ương; kiện toàn hệ thống giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị xây dựng Đề án tinh giản biên chế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo thực hiện việc rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập...

Theo báo cáo của Bộ Y tế trình bày tại hội nghị, thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Trung ương, vừa qua, ngành y tế đã thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy quản lý hành chính tại Bộ và khối đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.

Sau sắp xếp lại, số lượng phòng trong các Vụ, Cục của Bộ Y tế đã thu gọn từ 94 phòng xuống còn 59 phòng (giảm được 35 phòng tương đương 37,2%) và giảm 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tổ chức thực hiện việc đổi mới, săp xếp hệ thống y tế địa phương từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đến tuyến xã. Qua đó tinh gọn, kiện toàn lại bộ máy, đồng thời tăng cường đội ngũ nhân lực trực tiếp làm công tác chuyên môn, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường tự chủ trong các cơ sở khám chữa bệnh nhằm giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Khoản kinh phí giảm được này sẽ giúp cho việc mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách.

Được biết, nhờ việc giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên cho các bệnh viện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, thời gian qua ngành y tế đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ/1 năm đối với tuyến trung ương và gần 15.000 tỷ đối với hệ thống y tế địa phương.