Bộ Tư pháp “tuýt còi” Quy chế cai nghiện của TP Đà Nẵng

ANTĐ - Chiều nay 3-5, đại diện Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật (KTVBQPPL) - Bộ Tư pháp cho biết, đơn vị này vừa ký văn bản đề nghị Sở Tư pháp TP Đà Nẵng tự kiểm tra đối với “Quy chế cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” ban hành kèm theo Quyết định số 40/2010/QĐ-UBND ngày 3-12-2010 của UBND TP Đà Nẵng.

Theo TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục KTVBQPPL - Bộ Tư pháp, qua kiểm tra, Cục KTVBQPPL thấy rằng: Quy chế cai nghiện ma tuý ban hành kèm theo Quyết định số 40 của UBND TP Đà Nẵng có nội dung không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma tuý và Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 

10-6-2004 của Chính phủ, quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.

Quy chế cai nghiện ma tuý ban hành kèm theo Quyết định số 40 của TP Đà Nẵng đã quy định đối tượng bắt buộc cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện và quản lý sau cai nghiện là: “Người nghiện ma tuý, người tái nghiện ma tuý và người sử dụng trái phép chất ma túy bị bắt quả tang” (điểm a, khoản 2, Điều 5).

Tuy nhiên, theo Cục KTVBQPPL thì quy định này trái với các quy định hiện hành của pháp luật về đối tượng phải bắt buộc cai nghiện tại trung tâm. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 135 thì đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh để cai nghiện là: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về việc sử dụng trái phép chất ma túy mà vẫn còn nghiện; đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc người nghiện ma túy không có nơi cư trú nhất định”. Đối với đối tượng không bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là: “Người nghiện ma túy chưa đủ 18 tuổi; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên trong thời hạn 2 năm lại tái nghiện kể từ ngày đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh”(khoản 1 - Điều 3) và theo quy định tại Điều 2 của Luật Phòng, chống ma tuý thì: “Người nghiện ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phải là người nghiện ma tuý - tức là sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này. Do vậy, Cục KTVBQPPL yêu cầu Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng phải có công văn hồi đáp về Cục KTVBQPPL trước ngày 15-5.