Bộ trưởng Tô Lâm: Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở không làm phát sinh thêm lực lượng mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Thảo luận tại tổ về Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Luật này ra đời không ảnh hưởng hoạt động của các mô hình khác, hoạt động khác. Đây là sự sáng tạo của nhân dân ở từng địa phương, là chỗ dựa cho các lực lượng khác.

Về sự cần thiết phải ban hành luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, luật không làm sinh ra lực lượng mới, thực tế lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở vẫn đang tồn tại và một bộ phận đã có các văn bản pháp luật điều chỉnh, ví dụ dân phòng quy định trong Luật PCCC.

Dự án luật này nhằm huy động sức mạnh của nhân dân, là nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, là đặc trưng của CAND Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới không có mô hình này đã sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.

Cũng theo Bộ trưởng, quân đội có lực lượng dân quân tự vệ. Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhằm huy động những người có trách nhiệm tâm huyết cùng lực lượng công an, quân đội tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở. Về bản chất, Dự án Luật này không khác nhiều so với Luật Dân quân tự vệ, có nhiều điểm tương thích.

“Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ra đời không ảnh hưởng hoạt động của các mô hình khác, hoạt động khác. Đó là sự sáng tạo của nhân dân ở từng địa phương, là chỗ dựa cho các lực lượng khác. Khi đưa lực lượng chính quy xuống, công an xã bán chuyên trách vẫn tiếp tục hoạt động hiệu quả theo Pháp lệnh Công an xã” – Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ

Làm rõ băn khoăn của nhiều đại biểu về việc nêu thông qua dự án Luật này có làm cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, chi phí ngân sách tăng thêm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, khi Luật Công an nhân dân chưa ra đời, nhiều tỉnh đã chủ động đầu tư xây dựng trụ sở công an xã, CAH khang trang như ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

Khi xây dựng Luật này, Bộ có quan tâm đến việc bố trí, xây dựng trụ sở cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, song do hạn chế về điều kiện kinh tế, công an xã chính quy ở một số nơi còn rất khó khăn nên sẽ tiếp tục thực hiện phương châm dựa vào nhân dân, có thể mượn nhà dân làm việc. Bên cạnh đó, khi ngân sách địa phương có thể thu xếp được thì chưa cần quy định vấn đề này trong dự án luật.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) cho rằng việc ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Bên cạnh đó, Luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý để lực lượng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy; sắp xếp, bố trí Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách.

“Trong hoàn cảnh đi ra ngõ không gặp anh hùng mà gặp nhiều người khùng khùng điên điên” thì việc có Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở Luật là yêu cầu cấp thiết, nếu tổ chức thực hiện được thì rất tốt, song vẫn còn một số nội dung cần được tiếp tục thảo luận làm rõ” – Đại biểu Dũng nói.