Bộ trưởng LĐ-TB&XH: Lương kỹ sư mới ra trường 3,5 triệu đồng, thế thì sống làm sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dẫn ví dụ về mức lương của một kỹ sư ra trường là 3,5 triệu đồng/ tháng, thấp hơn mức thấp của tối thiểu vùng (4 triệu đồng/ tháng), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói: “Thế thì sống làm sao?”…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 24-10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập đến việc Quốc hội sẽ xem xét, quyết định cải cách tiền lương từ 1-7-2024.

Theo ông, 6 năm qua, việc thực hiện nghị quyết số 27-NQ/TW của trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức... chưa được nhiều, mỗi năm điều chỉnh lương 7% nhưng “thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương”.

Trong giai đoạn Covid-19, chúng ta cũng đã 3 lần “lỡ hẹn” với cán bộ, công chức, viên chức khi không điều chỉnh tiền lương. Do đó, việc cải cách chính sách tiền lương thời điểm này đã chín muồi, không cải cách không được, bởi đầu tư cho cải cách tiền lương là đầu tư cho phát triển.

Dẫn mức lương của một kỹ sư ra trường là 3,5 triệu đồng, thấp hơn mức thấp của tối thiểu vùng (4 triệu đồng), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt vấn đề: “Thế thì sống làm sao. Chúng ta đặt vấn đề lương đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình họ, có được không?”. Do đó, ông đề nghị Quốc hội ủng hộ việc thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương.

Mặt khác, đi cùng với cải cách tiền lương khu vực công thì phải cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, với khu vực công, điều quan trọng nhất là phải xoá bỏ mức lương cơ sở, trả lương theo vị trí việc làm, ban hành 5 thang bảng lương.