Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nhiều dự án bất động sản đang nằm bất động, cần tháo điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu thực tế “cả nước không biết bao nhiêu dự án bất động sản nằm im, chết đứng ở đấy, Hà Nội cũng có rất nhiều…” và cho rằng cần phải sớm tháo gỡ các điểm nghẽn…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Sáng nay, 24-10, Quốc hội thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước...

Phát biểu ý kiến tại tổ Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng – Trưởng đoàn ĐBQH thành phố cho rằng, tăng trưởng kinh tế từ giờ đến cuối năm 2023 và cả năm sau sẽ tiếp tục khó khăn. Thực tế tiến độ giải ngân đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, xuất khẩu suy giảm, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn…

Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn ví dụ, tín dụng đang rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản nhưng doanh nghiệp thiếu tiền do không tiếp cận được. “Đây có phải điểm mấu chốt để tháo gỡ không? Nếu tháo được cái này sẽ kích thích sản xuất, trong khi lạm phát đang thấp so với kế hoạch. Đây là điểm cần suy nghĩ” – ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng kêu gọi cần sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cả nước không biết bao nhiêu dự án bất động sản "treo", nằm bất động, "chết đứng". Hà Nội cũng có rất nhiều.

Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng, Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm, vừa rồi đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá. Nhiều dự án nằm đấy cả chục năm, 20 năm rồi, không triển khai gì, dân thì bức xúc, là điểm nóng về an ninh trật tự. Hà Nội đang tập trung rà soát xử lý.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, nếu giải quyết, kích thích được thị trường bất động sản thì những vấn đề đi theo nó như vật liệu, công ăn việc làm, điện nước tiêu hao… sẽ tăng trưởng, lan tỏa theo, từ đó giúp ổn định vĩ mô.

Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội nên có chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết các vướng mắc nêu trên, bởi vướng mắc hiện chủ yếu từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Tiếp tục phát biểu về vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Trung ương đã có nghị quyết, tuy nhiên việc thể chế hoá hiện vẫn đang lúng túng cả ở cấp trung ương lẫn địa phương. Trong lĩnh vực giáo dục cũng thế, đang rất vướng…

Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng, mấu chốt là phải có được hệ thống định mức đơn giá cho khối sự nghiệp (y tế, giáo dục…). Giá y tế và giáo dục, giá điện, giá nước sạch… rất nhạy cảm, mỗi lần điều chỉnh rất phức tạp.

Chẳng hạn, Hà Nội “cực chẳng đã” phải có cách làm riêng về giáo dục là thí điểm cách thức chuyển từ cấp ngân sách thành phố sang đặt hàng các trường học, đưa ra giá thí điểm cho ngành giáo dục…, đến nay, có gần 300 trường áp dụng thí điểm. Khi được đặt hàng rồi thì các trường đào tạo công lập sẽ chuyển dần sang tự chủ, giải quyết dần về thiếu giáo viên, biên chế, còn thành phố vẫn đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo giáo viên cho các trường.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, do pháp lý chưa đầy đủ quy định nên phải làm thí điểm, về lâu dài thì bắt buộc phải hoàn thiện hành lang pháp lý để tháo gỡ.