Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Cần chấm dứt việc dạy theo văn mẫu, giáo viên đọc cho học sinh chép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn về các vấn đề: Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sáng 11-11 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về các vấn đề: Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19; Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; Việc giảm tải chương trình học cho học sinh; Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học...

Cần chấm dứt việc dạy theo văn mẫu, giáo viên đọc cho học sinh chép

Đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum)

Đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum)

Đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum) - người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi: “Vừa qua Bộ trưởng chỉ đạo không dùng văn mẫu trong giảng dạy môn Ngữ văn. Điều này rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Xin hỏi, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo như thế nào để tăng cường chất lượng dạy và học môn học này”?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tâm hồn cho học sinh qua việc giảng dạy môn ngữ Văn. Theo Bộ trưởng, dù ngoại ngữ ngày càng có vai trò quan trọng nhưng trước hết, học sinh Việt Nam phải giỏi tiếng Việt. “Việc giảng dạy môn Ngữ văn cần được chú trọng. Các trường cần chấm dứt việc dạy theo văn mẫu, giáo viên đọc cho học sinh chép. Việc soạn văn mẫu cho học sinh học thuộc rất tai hại trong việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành chân thực cho học sinh. Sắp tới, ngành sẽ có điều chỉnh mang tính chuyên môn. Chấm dứt văn mẫu cũng là một trong những yếu tố làm chấm dứt việc dạy thêm học thêm” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Việc dạy thêm, học thêm trong trạng thái bình thường là không được

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu)

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu)

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) chất vấn: “Hiện việc dạy thêm bị nghiêm cấm nhưng vẫn có tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến thậm chí có học sinh bị ép học thêm trực tuyến. Nhiều cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT thanh tra, kiểm tra về vấn đề này”.

Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, việc dạy thêm, học thêm trong trạng thái bình thường đã là không được, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng. “Trong Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy và học trực tuyến đã nêu rõ số giờ dạy cho các cấp, các lớp. Nếu quá giờ quy định, các địa phương, các Sở GD-ĐT phải kiểm tra, thanh tra” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Đề nghị bổ sung dạy thêm, học thêm vào danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai)

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai)

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, ngành Giáo dục cấm dạy thêm, học thêm, có những địa phương còn tổ chức mật phục để xử lý, xử phạt, đưa lên báo chí. Tại sao y bác sĩ được làm thêm mà giáo viên không được dạy thêm? Cũng theo Đại biểu Nguyễn Công Long, chúng ta chưa giải quyết được tận gốc vấn đề của dạy thêm, học thêm và luôn coi đó là vấn nạn. Theo đại biểu, không nên tư duy theo kiểu cũ “không quản được thì cấm” mà cần đánh giá từ yêu cầu thực tiễn của phụ huynh học sinh. “Con em chúng tôi đi học, đỗ đạt rồi có việc làm cũng một phần do học thêm. Vậy tại sao ngành Y được làm thêm mà ngành Giáo dục không được dạy thêm. Điều này xuất phát từ thu nhập của giáo viên quá thấp. Không ít giáo viên coi đó là vấn đề mưu sinh nên Bộ cần giải quyết thấu đáo. Chưa nói đến việc đối tượng giáo viên cũng cần cứu trợ chứ không chỉ đối tượng khác” - đại biểu nhấn mạnh.

Làm rõ nội dung trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, theo quy định hiện hành, việc dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường, của những người không làm trong cơ sở giáo dục nếu đáp ứng yêu cầu thì không thế cấm được. Trước đây, Bộ đã có Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm. Đến năm 2016, Luật Đầu tư đã bỏ dạy thêm, học thêm ra ngoài danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện Bộ đang đề nghị bổ sung lại vào luật này. “Nếu giáo viên bớt nội dung chương trình chính thức, dạy trước, dạy cho các nhóm riêng biệt thì bị nghiêm cấm và đáng nên án vì thuộc về đạo đức nhà giáo” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Điều chỉnh quy trình, điều kiện xuất bản sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn)

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn)

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) nêu vấn đề: “Trong một số bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục có những bài học thiếu tính giáo dục, giải pháp khắc phục ra sao?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, khi có ý kiến của phụ huynh về chất lượng của một số bài học trong các bộ sách, Hội đồng chuyên môn của Bộ đã kịp thời trao đổi với các tác giả, nhanh chóng điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi sách đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ cũng đang điều chỉnh quy trình, điều kiện đối với việc xuất bản sách giáo khoa nhằm đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương)

Đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương)

Mỗi quyển sách giáo khoa là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, nhà khoa học

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, chúng ta nghe nhiều về “sỏi và sạn” trong SGK qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, mỗi quyển sách giáo khoa là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, nhà khoa học thì rất ít ai nhắc tới. Như vậy liệu có công bằng?

Về chất vấn của đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) liên quan đến giải pháp đối với sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, để có được bộ sách chất lượng, cần nhiều yếu tố như người soạn, quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến các đối tượng liên quan khác nhau. Bộ đang sửa đổi Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định biên soạn và thẩm định, xuất bản sách giáo khoa. Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ trương giám sát đồng hành với các nhóm tác giả ngay từ đầu, không phó thác cho tác giả, nhà xuất bản. Đặc biệt, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cũng có sự thay đổi và họ sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa để cùng chịu trách nhiệm với tác giả.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cùng về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bất kỳ tài liệu nào được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phải đạt chuẩn mực về tính khoa học và tính sư phạm. Trong quá trình sửa đổi Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, Bộ đã quy định tỷ lệ thẩm định cụ thể với sách giáo khoa.

Các trường đại học khó cam kết việc làm cho sinh viên

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, hiện nay, nhiều trường đại học đào tạo tràn lan, tranh thủ thu hút sinh viên để có chi phí. Sinh viên ra trường phải giấu bằng cấp để tìm việc hoặc việc làm trái với ngành học. Vậy có nên yêu cầu trường đại học cam kết vấn đề việc làm cho sinh viên? Cũng theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, gây bất ổn tâm lý xã hội và ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Có thể đã đến lúc bỏ kỳ thi THPT quốc gia, vì cùng một đất nước mà nơi thi, nơi không như vừa qua thì không có sự công bằng.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng khó để các trường đại học cam kết việc làm cho sinh viên, bởi các trường đại học đã phối hợp với doanh nghiệp để dự báo nhân lực, cùng đào tạo nhưng quyền tuyển dụng thuộc doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không dám cam kết sử dụng bao nhiêu sinh viên của một trường, vì vậy, việc này rất khó.

Về việc có bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết kỳ thi đã được luật hóa, có tác dụng đánh giá kết quả học tập của học sinh và đây vẫn là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh. “Về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, chúng tôi đang lên kế hoạch để tổ chức kỳ thi linh hoạt hơn, căn cứ tình hình dịch bệnh. Bộ GD-ĐT đang xây dựng ngân hàng đề lớn hơn, đáp ứng việc tổ chức thi linh hoạt, nhiều đợt hơn, thậm chí có thể mỗi địa phương một kế hoạch thi. Nhưng như thế công tác tổ chức thi sẽ có nhiều khó khăn, tốt nhất vẫn nên tổ chức một đợt thi hoặc một nhóm địa phương một đợt” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin thêm.

Trên 1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang)

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang)

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) đặt câu hỏi: “Hiện có tới 1,5 triệu học sinh phải học trực tuyến, nhưng thiết bị hỗ trợ chỉ đáp ứng hơn 46%. Như vậy chất lượng học trực tuyến có đảm bảo? Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp củng cố kiến thức cho học sinh học trực tuyến?”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dù việc học trực tuyến đã có kinh nghiệm từ năm trước, song sang năm 2021, quy mô, tính chất thời gian của dạy và học trực tuyến chưa từng có tiền lệ. “Việt Nam chuyển sang dạy và học trực tuyến khi điều kiện khó khăn, trên 1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị nào trong tay để học. Có gia đình 2-3 chị em mới có 1 chiếc điện thoại thông minh để học. Trước khi quan tâm đến chất lượng học trực tuyến thì việc làm thế nào để các cháu không có thiết bị cũng được học, vì một phần trong số đó đã dần bỏ học, điều đó cũng quan trọng không kém” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói và khẳng định, để đánh giá chất lượng, hiệu quả của dạy và học trực tuyến, Bộ đã theo dõi thường xuyên, hỗ trợ trang thiết bị, huy động trên 140.000 máy tính tới các địa phương. Trong Công văn 08, Bộ đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục bổ sung, củng cố kiến thức khi học sinh quay lại trường, không nên cho các em làm các phiếu đánh giá chất lượng ngay mà cần cho làm quen lại, dạy cách phòng, chống dịch Covid-19, phân ra các nhóm vì trình độ không đồng đều…

Cả nước thiếu khoảng 94.000 giáo viên

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn Thái Nguyên)

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn Thái Nguyên)

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi: “Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ như thế nào để giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên?”.

Về nhu cầu đào tạo đầu vào, đầu ra xét trên nhu cầu cả nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang triển khai quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học để đánh giá nhu cầu đào tạo, giảm tình trạng mất cân đối đầu vào, đầu ra trong các trường đại học. Việc thiếu giáo viên ở các địa phương là vấn đề lớn. Theo thống kê, cả nước thiếu khoảng 94.000 giáo viên, trong đó hơn 1/3 là giáo viên mầm non. Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để giải quyết tình trạng này. Cụ thể, phê duyệt tuyển thêm 12.000 giáo viên cho các tỉnh có nhu cầu cao. Hiện, 2 bộ đang trình các cấp thẩm quyền cho phép tuyển thêm 20.000 giáo viên để bổ sung cho các bậc học.