Bộ trưởng Bộ Công an: Luật Căn cước sẽ giúp “không ai bị bỏ lại phía sau” và bảo vệ nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dẫn ví dụ có hàng triệu người không có bất kỳ một loại giấy tờ tùy thân nào, đa phần là người yếu thế, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Căn cước sẽ giúp “không ai bị bỏ lại phía sau”…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 10-6, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - đồng thời cũng là thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Căn cước đã phát biểu làm rõ nhiều ý kiến mà các ĐBQH quan tâm.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật là “tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp” và bảo vệ để “không ai có thể xâm nhập lấy được dữ liệu cá nhân”. Đây là hai mục tiêu hàng đầu.

Theo Bộ trưởng Công an, hiện nay Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành tốt, là nền tảng để quản lý, quản trị xã hội, không ai có thể xâm nhập vào lấy được dữ liệu. Đồng thời, tạo thuận lợi lớn cho người dân.

“Trước đây, chúng tôi rất vất vả khi tìm thông tin người già đi lạc, người tâm thần, trẻ em đi lạc... không biết là ai, ở đâu; rồi những đi đường gặp sự cố, TNGT không biết họ là ai, thì giờ đã trả lời được, đây đều là những người yếu thế trong xã hội" - Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Theo Bộ trưởng, chúng ta chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhưng thực chất con số này có thể lên đến hàng triệu người, cũng không được thống kê bao giờ, họ không có căn cước, không có hộ khẩu, không có ai quản lý.

Thậm chí ngay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng có hàng trăm nghìn người, đa phần là người yếu thế, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không được đi học, không khai sinh… Nếu chúng ta không cấp căn cước, không đưa họ vào diện để xã hội giúp đỡ, hỗ trợ thì rất khó khăn.

“Hiến pháp quy định phải bảo vệ người dân, người dân có quyền sống bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, mục tiêu, ý nghĩa bảo vệ nhân dân của việc này là rất lớn" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Mục tiêu thứ ba khi xây dựng Luật Căn cước là phục vụ hoạt động quản lý xã hội. Bộ trưởng Công an cho biết, việc hình thành cơ sở dữ liệu dân cư là một sự cải cách lớn.

"Trước đây "một cửa" đã tạo điều kiện rồi, giờ không có cửa nào vì môi trường điện tử, người dân có địa vị pháp lý, danh tính rõ ràng, giao dịch vô cùng thuận lợi. "Một cửa" đã dần rơi vào dĩ vãng rồi vì người ta ngồi ở nhà vẫn giao dịch được với các cơ quan hành chính, tiện ích vô cùng lớn" - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Về việc sửa tên từ Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, tên Luật Căn cước đã chính xác và bao hàm hơn so với tên gọi cũ. Sửa tên Luật Căn cước để phạm vi đối tượng mở rộng hơn, phục vụ tốt việc quản lý xã hội.

Về việc cấp Giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt đang cư trú tại Việt Nam nhưng không có quốc tịch, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, họ phải được xã hội thừa nhận, có quyền giao dịch trong xã hội.

"Chúng tôi không cấp Căn cước công dân mà làm Chứng nhận căn cước. Việc này tạo điều kiện để xã hội có trách nhiệm hơn với họ và họ cũng phải có trách nhiệm với xã hội" - Bộ trưởng Bộ Công an thông tin.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Ban soạn thảo cũng đã rà soát việc sửa đổi luật đảm bảo tương thích với các dự án luật và các điều ước quốc tế, đồng thời hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn toàn đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn trong khi lưu trữ, kết nối, chia sẻ thông tin.

Đối với thẻ Căn cước công dân gắn chíp, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tính đến ngày 9-6 đã có 19 tỉnh hoàn thành cấp Căn cước công dân gắn chip và phấn đấu trước 30-7 sẽ hoàn thành cấp Căn cước công dân cho mọi người dân. Việc này giúp tiết kiệm cho các bộ, ngành và người dân hàng trăm tỷ đồng.

Bộ trưởng dẫn ví dụ: Kết nối dữ liệu bảo hiểm y tế giúp tiết kiệm trăm triệu USD; tiết kiệm chi phí cấp đổi giấy phép lái xe 135.000 đồng/giấy phép lái xe; chi phí cấp đăng ký xe 30.000 đồng/đăng ký xe…

Đặc biệt, việc này giúp cho người dân không phải xếp hàng ròng rã sao y chứng nhận, công chứng, rồi các cơ quan quản lý Nhà nước lại mất tiền duy trì, quản lý những giấy tờ đó...

Về tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân gắn chíp, Bộ trưởng Tô Lâm, hiện đã tích hợp tiếng Việt, tiếng Anh, sử dụng được trong nước và quốc tế, có thể đi được máy bay cả trong nước và quốc tế.

Đây là tiến bộ mà chúng ta đi đầu trong khu vực ASEAN. Việc thẻ Căn cước công dân gắn chip đưa vào QR code và chip giúp đưa vào một lượng thông tin lớn, tiếp tục mở rộng và bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng kiến nghị bỏ vân tay và định dạng vì nếu định danh con người rồi thì không có ý nghĩa nữa.

"Công nghệ phát triển lên, chúng tôi đã ứng dụng, cập nhật rất kịp thời. Thậm chí nay mai còn cập nhật nhóm máu để phục vụ ngay cho công tác cấp cứu" - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, định danh là định danh vĩnh viễn, không ai có thể có 2 Căn cước, nếu mất đi là huỷ số đó cấp lại số khác.

Về chia sẻ dữ liệu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện Bộ Công an vừa tích luỹ, vừa chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương và đang được giao làm Trung tâm dữ liệu lớn trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống” là nhờ lực lượng Công an xã. Do đó, người dân đi đâu, làm gì cần phải khai báo để biết được biến động dân cư như thế nào.

Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư được lực lượng Công an cập nhật hàng ngày, thường xuyên.