Bó tay với nội tạng “bẩn” nhập lậu
(ANTĐ) - Liên tiếp các vụ vận chuyển nội tạng động vật nhập lậu bị bắt giữ trên đường đưa đi tiêu thụ. Đáng lo ngại, hầu hết lượng hàng bị bắt giữ đều đã bị hỏng, đang trong quá trình phân hủy nhưng vẫn được đưa ra thị trường, đến người tiêu dùng.
Hầu hết các lô hàng nội tạng động vật nhập lậu đều đã hỏng, bốc mùi |
Nội tạng “bẩn” chạy đua về xuôi
Đặt lợi nhuận lên trên, xem nhẹ sức khỏe của người tiêu dùng, các đối tượng buôn lậu đã dùng mọi biện pháp để đưa nội tạng động vật đã thối hỏng, bốc mùi từ nước ngoài về nước tiêu thụ. Và, tình trạng buôn lậu nội tạng động vật ngày càng “nóng” ở một số cửa ngõ biên giới phía Bắc như Lào Cai.
Ông Nguyễn Bá Bình, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian gần đây, cửa ngõ Lào Cai đang trở thành điểm “nóng” nhập lậu về các sản phẩm nội tạng động vật. Cụ thể, chỉ trong vài tháng qua, các cơ quan chức năng của 3 địa phương Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội đã liên tục bắt giữ gần 20 vụ vận chuyển, tàng trữ nội tạng động vật “bẩn”, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, có vụ bắt giữ với khối lượng lên đến 1.400kg. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lào Cai cho rằng, hầu hết các vụ bắt giữ, chủ hàng đều bỏ chạy, nên việc xử lý rất khó khăn.
Qua thông tin khai nhận từ các đối tượng cho thấy, do người dân Trung Quốc không có thói quen sử dụng nội tạng động vật, đặc biệt là nội tạng lợn, bởi vậy giá rất rẻ, các đối tượng trong nước đã tìm cách bắt mối vận chuyển vào Việt Nam để tiêu thụ. Song, vì đây là nhóm hàng tươi sống, cách thức bảo quản không đảm bảo nên hầu hết các chuyến hàng bị bắt giữ đều trong tình trạng đang phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Mặt khác, theo ông Quyền Sinh Từ, Phó đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan Lào Cai, vừa qua, đội chống buôn lậu Lào Cai còn phát hiện vụ nội tạng đông vật đã bị phân hủy đang trên đường xuất sang Trung Quốc. Ông Từ cho biết, qua tìm hiểu, lượng nội tạng này được nhập từ nước ngoài về theo đường biển, sau đó đưa ngược từ Hà Nội lên Lào Cai sang Trung Quốc để gia cố, xử lý hóa chất, rồi mang trở lại Việt Nam tiêu thụ.
“Vào ngày 9-12, chúng tôi đã bắt giữ được 1 lô nội tạng lợn gồm lòng, tim và bầu dục. Đáng ngạc nhiên, mặc dù lòng lợn đã bốc mùi rất nặng nhưng vẫn khô ráo, tươi như vừa được giết mổ. Đối tượng bị bắt khai nhận, lô nội tạng này được đưa từ Việt Nam sang Trung Quốc để xử lý hóa chất và đang trên đường về Hà Nội tiêu thụ thì bị bắt giữ”, ông Từ cho biết. Tuy vậy, nội tạng được tẩm ướp, xử lý bằng những hóa chất gì thì bản thân ông Từ cũng như các cơ quan chức năng đều không biết. Bởi, mỗi khi bắt được, lực lượng chức năng đều tổ chức tiêu hủy ngay, không lấy mẫu để phân tích, kiểm tra.
Siết chặt từ gốc
Ngay tại cửa khẩu Lào Cai, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai đảm nhiệm chức năng kiểm dịch động vật, các sản phẩm động vật nhập khẩu. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Khang, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai cho biết, trách nhiệm của Chi cục là kiểm dịch nguồn động vật nhập chính ngạch (tức là được làm thủ tục thông quan). “Nhưng từ đầu năm 2009 đến nay, chỉ có vài ba lô hàng (chủ yếu là sữa) được nhập chính ngạch, còn lại, hầu hết lượng sản phẩm động vật được nhập lậu”, bà Khang nói.
Ông Nam nhận định, càng về cuối năm, buôn lậu nội tạng càng nhộn nhịp. “Lợi dụng chính sách biên mậu đối với các cư dân biên giới theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ, các đối tượng buôn lậu đã hợp thức hóa, ngang nhiên đưa những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vào thị trường tiêu thụ. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra, kiểm soát”, ông Nam lo ngại.
Theo chính sách biên mậu, mỗi cư dân biên giới sang Trung Quốc mua hàng dưới 2 triệu đồng sẽ không phải làm thủ tục hải quan. Bởi vậy, các đầu nậu đã lợi dụng trà trộn hàng cấm nhập khẩu như: nội tạng động vật “bẩn”, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, pháo... vào các xe hàng rau, quả, đồ tiêu dùng để đưa vào nội địa. Theo nhận định, tất cả các vụ bắt giữ nội tạng động vật “bẩn” tràn vào nội địa thời gian qua chỉ là rất nhỏ so với thực tế.
Trước tình trạng này, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chính sách biên mậu đang tạo ra cơ chế quản lý khá lỏng lẻo nơi cửa khẩu, tạo điều kiện để các mặt hàng kém chất lượng tràn vào nội địa. Nhiều địa phương ở miền Bắc đang rất lo lắng trước thực trạng này, đã đề nghị giảm bớt trị giá mặt hàng biên mậu cho phép xuống dưới 2 triệu đồng, trong khi đó các tỉnh phía Nam lại đề nghị tăng lên mức 5 triệu đồng vì cho rằng 2 triệu đồng như hiện nay là quá thấp?
Ngân Tuyền