Bổ sung quy định giải quyết nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phá sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ bảo hiểm xã hội thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi đối với người lao động.
Chưa có quy định giải quyết quyền lợi đối với người lao động khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội có chủ bỏ trốn

Chưa có quy định giải quyết quyền lợi đối với người lao động khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội có chủ bỏ trốn

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2022, tổng số nợ các loại bảo hiểm là 24.576 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 5,6% số phải thu (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021).

Đáng chú ý, trong tổng số nợ bảo hiểm xã hội có hơn 3.500 tỉ đồng là của các doanh nghiệp đã bị phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài đã trốn khỏi Việt Nam... không có khả năng trả nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng quyền lợi của hơn 200.000 người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là nội dung rất phức tạp, tuy đã được nghiên cứu, báo cáo các cấp nhiều lần nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý và chưa có số liệu chi tiết đảm bảo cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực.

Cụ thể, vướng mắc về mặt pháp lý do Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Luật Ngân sách nhà nước đều không quy định nội dung chi đối với trường hợp này nên không thể xác định được nguồn để xử lý.

Việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn không đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia, có thể tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp lợi dụng trốn đóng, chậm đóng, không khuyên khích tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội. Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng không quy định việc xử lý đối với trường hợp này.

Để hạn chế tình trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023. Theo kế hoạch, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ tháng 6/2023, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10/2023.

Trong hồ sơ đề nghị Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã phối họp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ ngành nghiên cứu bổ sung thêm chương mới về quản lý thu nhằm khắc phục những bất cập hạn chế trong quá trình tổ chức thu và xử lý vấn đề chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.