Bỏ phiếu lại việc xét “Phong tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội”

(ANTĐ) - Đó là khẳng định của ông Lưu Tiến Long - Giám đốc Sở Công Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội năm 2009 khi trả lời báo chí xung quanh việc giải quyết đơn kiến nghị của 7 ứng viên bị gạt ra khỏi danh sách phong tặng mà An ninh Thủ đô đã phản ánh trong số báo ra ngày 4-11.

Bỏ phiếu lại việc xét “Phong tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội”

(ANTĐ) - Đó là khẳng định của ông Lưu Tiến Long - Giám đốc Sở Công Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội năm 2009 khi trả lời báo chí xung quanh việc giải quyết đơn kiến nghị của 7 ứng viên bị gạt ra khỏi danh sách phong tặng mà An ninh Thủ đô đã phản ánh trong số báo ra ngày 4-11.

>>> Xét “Phong tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội”: Dích dắc, khó hiểu

Ông Lưu Tiến Long - Giám đốc Sở Công thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội năm 2009
Ông Lưu Tiến Long - Giám đốc Sở Công thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội năm 2009

- PV: Trong đơn gửi cấp có thẩm quyền và Chủ tịch Hội đồng xét duyệt Phong tặng nghệ nhân năm 2009, các ứng viên cho rằng những nhận xét của các thành viên Hội đồng còn mang nặng cảm tính và phiến diện… Ông nhìn nhận kiến nghị đó như thế nào?

- Ông Lưu Tiến Long: Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Nghệ nhân khác với thợ giỏi, nghệ nhân khác doanh nhân, anh làm được nhiều sản phẩm, bán được nhiều sản phẩm cũng chưa hẳn đã là nghệ nhân mà chỉ có thể là doanh nhân? Tôi cho rằng đã là nghệ nhân thì anh phải là kết tinh của dân tộc, trên 1 tác phẩm anh phải đưa được cái hồn nghệ thuật vào đó chứ không phải đơn thuần là hàng hóa. Nó phải có tính văn hóa, tính mỹ thuật… Có thể một sản phẩm đẹp, nhìn ưng mắt đấy nhưng phân tích ở góc độ nghệ thuật, mỹ thuật thì lại có vấn đề. Trong lúc hội đồng bình xét có thể các ứng viên cho rằng bị quy chụp, tôi nói ví dụ như chị Lê Diệu Hương về kỹ thuật đúc đồng Hội đồng thừa nhận tay nghề rất giỏi, nhưng kỹ thuật đúc chưa phải là tất cả bởi khi trang trí mỹ thuật trên tác phẩm thì không ổn, thậm chí còn bị pha trộn, các chuyên gia người ta thấy ngay là chưa được đào tạo...

Về hai trường hợp ứng viên bị loại ở làng gốm Bát Tràng, anh Trần Việt Hùng nếu nhìn từng tác phẩm thật sự là đẹp, nhưng dòng sáng tác của anh là gì thì lại không rõ ràng mạch lạc. Nó mang hơi hướng của nhiều nghệ nhân khác nhau. Đã là nghệ nhân có nghĩa là sau này anh phải có khả năng truyền nghề cho thế hệ tiếp nối, vậy mà anh không mạch lạc trong sáng tác và thiết kế thì có lẽ đó là điều không ổn. Tương tự, anh Phạm Anh Đạo thì Hội đồng nhận định anh ấy rất giỏi vuốt nặn, nhưng như vậy thì không thể gọi là nghệ nhân được mà chỉ là người thợ giỏi. Bởi sản phẩm gốm không chỉ đơn giản là nặn ra hình thù đẹp vì sau đó còn nhiều công đoạn khác thì mới thành sản phẩm... Hay như nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Tấn Thỉnh thì được Hội đồng nhận xét là có rất nhiều sản phẩm từng mang đi thi và đoạt giải... Tuy nhiên sản phẩm mang tính thương mại, một số cái tranh đồng của anh Thỉnh không tuân theo quy luật mỹ thuật trong hội họa…

Chị Lê Diệu Hương - tác giả của nhiều sản phẩm đúc đồng nổi tiếng
Chị Lê Diệu Hương - tác giả của nhiều sản phẩm đúc đồng nổi tiếng

- PV: Thế thì liệu họ bị loại ra khỏi danh sách có phải là Hội đồng đã quá khắt khe không, thưa ông?

- Ông Lưu Tiến Long: Quan điểm của chúng tôi là phải cân đối mọi mặt. Khi tôn vinh họ là nghệ nhân thì họ phải là người đứng đầu nghề đó. Chúng ta không đặt quá nặng yếu tố mỹ thuật nhưng cũng phải nói là yếu tố mỹ thuật nó phải đạt ở mức độ tổng hòa chứ không nên cọc cạch quá. Nghệ nhân khác ở anh thợ giỏi là họ phải có sáng tác, có thiết kế có cái hồn trên sản phẩm. Còn việc trong lúc đi thẩm định, có thành viên hội đồng khen một vài sản phẩm, có đôi lời bình luận tốt khiến tác giả tưởng rằng: Hội đồng đã nhận xét tốt như thế chắc là sản phẩm của mình ổn. Như vậy là không được, bản thân các thành viên đi thẩm định không làm đúng phận sự của mình. Anh đi thẩm định thì không được bình, khen chê trong lúc thẩm định. Đó chỉ là ý kiến cá nhân thôi.

Thứ hai người thợ giỏi chưa phải là nghệ nhân. Chúng ta tôn vinh nghệ nhân là duy trì cho làng nghề khỏi mai một, vì thế phải tôn vinh cho đúng để họ còn vươn lên nữa và truyền lại cho thế hệ sau được đi theo một cái chuẩn mực. Còn nếu họ chỉ làm sản phẩm dù đẹp đấy, nhưng để mưu cầu không thôi thì đó lại là doanh nghiệp rồi. Trong quy chế ghi rõ là phải có kỹ năng điêu luyện trong sáng tác và thiết kế. Tôi khẳng định Hội đồng sẽ bám sát tiêu chí trong quy chế để xét.

- PV: Mục tiêu của việc xét tặng là tôn vinh và khuyến khích giữ gìn nghề truyền thống trong khi Hội đồng có tới 4 chuyên gia về mỹ thuật, theo ông, yếu tố tay nghề liệu có được quan tâm đúng mức hay không?

- Ông Lưu Tiến Long: Mỹ thuật hay không, đó chỉ là chức danh của các thành viên hội đồng thôi. Ví dụ như ông Nguyễn Trọng Đoan dù là ủy viên Hội đồng trang trí Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng lại chuyên về gốm sứ. Vì thế tôi tin là tất cả các thành viên đều có quyền và khả năng đánh giá ngang nhau. Tuy nhiên đó chỉ là 1 ý kiến cá nhân để Hội đồng tranh luận và đánh giá khách quan tại cuộc bình xét chứ không phải là yếu tố quyết định đến việc loại hay gạt bất cứ ứng viên nào. Khi hội đồng họp lại và đưa ra quyết định cuối cùng thì đó mới là kết quả chính thức. Tôi cũng nói thêm là có thể lần họp và bỏ phiếu tới có những thành viên hội đồng vẫn bảo lưu ý kiến như tại lần một, cũng có thể họ sẽ có những nhìn nhận ở góc độ khác. Kết quả có thể xét phong tặng thêm 1 vài người, cũng có thể là giữ nguyên như cũ.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Long