Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Bỏ phiếu là nâng trách nhiệm cao lên

ANTĐ - Bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ hàng năm là một trong những vấn đề được cử tri cả nước rất quan tâm tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. ĐB Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ quan điểm của ông về nội dung này.

- PV: Tính quyết liệt của dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn được thể hiện ra sao, thưa ông?

- Ông Lê Minh Thông: Dự thảo qui định: người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội hoặc HĐND mà có trên 2/3 tổng số ĐBQH hoặc đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế... Theo Nghị quyết Trung ương 4, qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm mà không quá bán, thì sẽ là cơ sở để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng ở đây, dự thảo Nghị quyết đưa ra bước mạnh mẽ hơn là không đợi đến 2 lần, tránh sự trì trệ.

- Theo ông có nên xét đến cả việc bỏ phiếu tín nhiệm bất thường?

- Dự thảo Nghị quyết không loại trừ chuyện đó. Trong mục về bỏ phiếu tín nhiệm có 4 trường hợp: 1. UBTVQH tự mình theo Luật, bất kỳ lúc nào thấy một vị trí lãnh đạo nào cần phải xem xét, thì có quyền đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. 2. Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội có quyền đề xuất đưa bất kỳ một vị trí nào trong những người mình bầu, mà cảm thấy không đủ tín nhiệm để đưa ra Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. 3. Đủ 20% đại biểu Quốc hội nhất trí cũng có quyền đề xuất. 4. Cuối cùng mới là việc lấy phiếu tín nhiệm như đã nêu trên.

- Theo ông, liệu thời gian bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm có đủ để đánh giá năng lực cán bộ (nhất là đối với những người vừa nhậm chức), và con số 50% quá bán liệu có đạt được?

- Tính về thời gian quả rất ngắn, nhưng đối với quá trình công tác của cán bộ thì một năm rất có ý nghĩa, không thể nói là quá ngắn nên không bộc lộ hết năng lực được. Còn con số 50% quá bán trong mỗi lần bỏ phiếu tín nhiệm để làm mốc xem xét thì cần phải đợi thực tiễn, sau khi thực hiện chứ phỏng đoán thì hơi khó.

 

- Có ý kiến cho rằng nên lấy thêm ý kiến người dân xung quanh vấn đề này. Ông có cho rằng việc này là cần thiết?

- Nhân dân thường xuyên giám sát cán bộ, đảng viên và thông qua các kênh khác nhau, nhân dân phản ánh, kiến nghị. Cho nên những ý kiến, đề xuất của nhân dân luôn cần được tôn trọng, tiếp thu.

- Xin cảm ơn ông!