Học sinh tiểu học giữ chức Chủ tịch hội đồng tự quản lớp:

Bố mẹ đừng "suy bụng ta ra bụng trẻ"

ANTĐ - Đối với học sinh tiểu học, chức lớp trưởng nếu như đổi thành Chủ tịch hội đồng tự quản của lớp thì chức vụ có vẻ trang trọng hơn, tạo áp lực lớn hơn... Suy luận này đang khiến một số phụ huynh băn khoăn trong khi các nhà giáo dục khuyên rằng đừng “suy bụng ta ra bụng trẻ”.
Bố mẹ đừng "suy bụng ta ra bụng trẻ" ảnh 1

Học sinh tiểu học sẽ được làm chủ trong nhiều hoạt động lớp, nhóm (ảnh minh họa)

Lo con kiêu vì làm “quan”

Một trong những vấn đề khiến phụ huynh lo lắng là việc giao quyền hạn quá lớn cho con ở trường học khi chúng chưa ý thức rõ được giá trị bản thân và trách nhiệm của mình. Điều này lại càng khiến cụm từ Chủ tịch hội đồng tự quản được đưa ra trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học vừa được Bộ GD-ĐT công bố gây tranh cãi khi khái niệm đó được đánh giá là còn lớn hơn nhiều so với từ lớp trưởng vẫn đang sử dụng.

“Con tôi thường xuyên “kể tội” lớp trưởng khi bạn này được cô giao trách nhiệm ghi sổ những bạn vi phạm kỷ luật mỗi khi cô không có mặt trên lớp. Những bạn bị ghi tên vào sổ này đều bị cô phạt dù có thanh minh là mình bị oan. Lớp trưởng sử dụng quyền hành này của mình để “đe” những bạn không thích, không chơi hay không đáp ứng yêu cầu riêng của lớp trưởng. Các bạn dù rất tức nhưng đành phải tuân theo” - chị Nguyễn Lan Anh, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Đoàn Kết cho biết.

Chính vì vậy, phản ứng đầu tiên khi nghe điều lệ mới của trường học sẽ tăng quyền cho học sinh, cho học sinh vai trò nhiều hơn, được giữ chức Chủ tịch hội đồng tự quản lớp hoặc trường thì chị Lan Anh càng thấy lo hơn cho người nắm giữ “chiếc gậy quyền lực” ở bậc tiểu học này.

Trước câu hỏi về vấn đề giao vai trò lãnh đạo cho học sinh tiểu học với chức danh Chủ tịch hội đồng tự quản có quá to tát với lứa tuổi này hay không, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích, khái niệm mới này khi đặt cạnh chức danh vẫn dùng lâu nay là lớp trưởng thì trẻ con sẽ hiểu theo cách hiểu của chúng.

Có thể có tác động chút ít nhưng sẽ không giống như cách nghĩ, cách cảm nhận của người lớn. Cùng với đó, quy định về sự tráo đổi luân phiên các vị trí lãnh đạo trong lớp học cũng sẽ khiến học sinh ý thức rõ hơn về trách nhiệm, cách ứng xử thay vì nảy sinh những tiêu cực mà phụ huynh phản ánh.

Không nên có sự can thiệp của người lớn

Tổ chức lớp học với Chủ tịch hội đồng tự quản và các ban (như ban thể thao, ban văn nghệ, ban học tập...) là cách mà mô hình trường học mới (VNEN) đang được Bộ GD-ĐT thí điểm ở hàng nghìn trường tiểu học trên cả nước. Chưa áp dụng mô hình trường học mới cũng như những quy định mới được nêu trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học nhưng bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B, Hà Nội cho biết, việc trao quyền dân chủ và tự chịu trách nhiệm cho học sinh đã được nhà trường áp dụng nhiều năm nay.

“Học sinh trong các lớp đều được luân phiên giữ chức lớp trưởng. Mỗi bạn chỉ làm lớp trưởng trong 1, 2 tháng, tương tự tổ trưởng, tổ phó cũng vậy. Các con tự bầu ra những bạn phù hợp. Cách làm này giúp các con trải nghiệm kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp… Các con sẽ thấy tự tin hơn, biết thể hiện bản thân, có trách nhiệm với cá nhân và tập thể” - Bà Phạm Thị Yến phân tích.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vai trò của giáo viên cũng rất cần thiết khi phân tích cho trẻ cách nhìn nhận vấn đề. Các con phải được giảng giải rõ đây không phải là mất chức, bị kỷ luật hay học kém mà là công việc uân phiên, chức lớp trưởng không được mặc định chỉ cho một, hai học sinh.

Phát biểu về những quy định mới trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, quan điểm của ông là cần ủng hộ cái mới nhưng kèm theo đó, giáo viên, phụ huynh cần hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình.

“Trao quyền dân chủ để trẻ tự tin hơn là đúng nhưng quan trọng hơn là phải không có sự dàn xếp, can thiệp của người lớn. Hãy để trẻ con hồn nhiên đúng lứa tuổi khi đảm nhận công việc của mình, đừng suy bụng ta ra bụng trẻ”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.