Bỏ hình phạt tử hình trong một số tội không có nghĩa là khoan dung với tội phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tù chung thân không xét giảm án sẽ là hình phạt thay thế hợp lý cho tử hình đối với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng nhưng có thể xét đến yếu tố nhân đạo, cải tạo lâu dài.

Nhất trí b hình phạt tử hình với một số tội danh

Thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật và cho rằng, dự thảo thể hiện tinh thần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Trung ương, phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong bối cảnh mới.

Nhất trí với quy định bổ sung hình phạt mới là tù chung thân không xét giảm án, bên cạnh các hình phạt đã được quy định tại Điều 32 của Bộ luật Hình sự hiện hành, đại biể nhận định, việc bổ sung hình phạt này là rất cần thiết trong bối cảnh chúng ta đang từng bước thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Tù chung thân không xét giảm án sẽ là hình phạt thay thế hợp lý cho tử hình đối với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng nhưng có thể xét đến yếu tố nhân đạo, cải tạo lâu dài.

Quy định này vừa đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe cao, vừa thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước khi không áp dụng hình phạt tử hình, tước bỏ quyền sống, của một số tội danh nhưng vẫn đảm bảo cách ly lâu dài những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khỏi xã hội.

Đồng thời, nó cũng tạo ra sự phân hóa rõ ràng giữa hình phạt tù chung thân thông thường và hình phạt tù chung thân không được xét giảm, từ đó phản ánh đúng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thái độ cải tạo của người phạm tội.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận

Về việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh trong dự thảo luật, đại biểu tỉnh Hải Dương cho biết, người dân và đại biểu Quốc hội quan tâm sâu sắc đến nội dung này bởi lẽ, hình phạt tử hình không chỉ là mức chế tài cao nhất trong hệ thống hình phạt của nước ta, mà còn là biểu tượng của công lý, của sự phẫn nộ xã hội trước những hành vi đặc biệt nghiêm trọng.

Việc giảm hoặc loại bỏ hình phạt này luôn gợi ra những băn khoăn về tính răn đe, khả năng phòng ngừa tội phạm cũng như tác động tâm lý xã hội. Theo tiến trình phát triển của xã hội, từ năm 1999 đến nay, qua các lần sửa đổi, số lượng tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình đã giảm từ 29 tội xuống còn 18 tội và dần thu hẹp việc áp dụng hình phạt tử hình với một số đối tượng như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi...

Quy định như vậy rất phù hợp với xu hướng hệ thống pháp luật quốc tế, đó là nhiều quốc gia trên thế giới đã xóa hình phạt tử hình hoặc hạn chế áp dụng ở mức tối đa. Điều này khẳng định chính sách hình sự tiến bộ và nhân đạo của Việt Nam. Đặc biệt là với một số tội danh, việc áp dụng hình phạt tử hình không thật sự cần thiết và hiệu quả, trên thực tế hầu như không áp dụng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách công bằng, rằng việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa là khoan dung với tội phạm, mà là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh pháp lý, nhận thức nhân quyền và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

Song, việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh nào cần có sự xem xét kỹ về tính chất, mức độ nguy hiểm tình hình tội phạm và thực tiễn áp dụng khi xét xử để không làm giảm tính răn đe của pháp luật.

Bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy là cần thiết

Đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, hiện nay, trong nhóm tội phạm về ma túy, có ba tội đặc biệt nghiêm trọng là sản xuất trái phép, buôn bán trái phép và vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong đó sản xuất và buôn bán là hai hành vi chủ động, có tổ chức, mang tính đầu mối, lợi nhuận cao, gắn với các đường dây tội phạm quốc tế.

Vận chuyển ma tuý trong nhiều trường hợp lại do những người bị lợi dụng vì thiếu hiểu biết pháp luật, vì sự thúc bách bởi nỗi lo cơm áo, đói nghèo, phần đông rơi vào những người yếu thế trong xã hội. Họ bị dụ dỗ, hoặc không nắm đầy đủ bản chất phi pháp của hành vi.

Chính vì vậy, việc bỏ tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, trong khi giữ nguyên mức án cao nhất đối với sản xuất và buôn bán ma tuý là phù hợp với nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình phạt, đồng thời mở ra cơ hội khoan hồng cho những người có khả năng cải tạo.

Kết thúc phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy vào Dự thảo Luật vì cho rằng, số lượng người sử dụng ma tuý có chiều hướng gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ, với xu hướng lạm dụng các loại ma tuý tổng hợp gây ảo giác, mất kiểm soát hành vi.

Điều này dẫn tới những hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn như giết người, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng... Trong khi đó, việc xử lý hành chính dường như không phát huy hiệu quả răn đe và phững ngừa. Sau khi bị xử lý hành chính, áp dụng các biện pháp cai nghiện, tỷ lệ tái nghiện vẫn rất cao...