Bỏ điểm sàn đại học: Thả đầu vào, chất lượng sẽ thế nào?

ANTD.VN - Năm 2017, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ bỏ ngưỡng đầu vào hay còn gọi là điểm sàn xét tuyển đại học. Theo đó, thí sinh chỉ cần đạt điều kiện cần là tốt nghiệp THPT là có thể đăng ký xét tuyển đại học nếu những trường này không đặt thêm điều kiện khác.

Bỏ điểm sàn đại học: Thả đầu vào, chất lượng sẽ thế nào? ảnh 1Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ bỏ ngưỡng đầu vào hay còn gọi là điểm sàn xét tuyển đại học

Bỏ Hội đồng xác định điểm sàn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa thông tin về dự kiến bỏ điểm sàn xét tuyển đại học năm 2017. Tuy nhiên, để có thể nộp đơn xét tuyển vào một trường đại học nào đó, thí sinh phải đáp ứng những điều kiện khác do trường quy định. Tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín… mà điều kiện do các trường đạt ra  cũng rất khác nhau. Việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng.

Trong khi đó, theo Luật Giáo dục đại học, các trường đại học đều được giao quyền tự chủ tuyển sinh. Với lý do này, tại dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm nay, Bộ GD-ĐT chỉ quy định điều kiện cần là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quyết định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của mình.

Đánh giá về dự thảo này, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết, từ nhiều năm nay, các trường đã thấy quy định điểm sàn không cần thiết. Thực tế tuyển sinh từ các năm trước cho thấy, điểm sàn Bộ GD-ĐT đặt ra đều ở mức 14-15 điểm, nghĩa là đạt ở mức trung bình mỗi môn 5 điểm. Cùng với điểm sàn, thí sinh phải đủ điểm tốt nghiệp THPT (mỗi môn từ 5 điểm trở lên) mới được đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Hai điều kiện này trùng nhau nên có thể bỏ quy định điểm sàn vì việc thành lập một hội đồng xác định điểm sàn như mọi năm là rườm rà, không thực sự cần thiết. 

Đây cũng là đề xuất từ nhiều năm nay của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khi cho rằng Bộ GD-ĐT vẫn đang can thiệp vào việc tuyển sinh của các trường, trái với quy định của Luật Giáo dục đại học. Việc các trường tuyển sinh theo điều kiện gì sẽ do các trường tự căn cứ vào nhu cầu đào tạo của mình và chịu trách nhiệm trước Bộ GD-ĐT và xã hội về chất lượng đào tạo.

Bỏ điểm sàn đại học: Thả đầu vào, chất lượng sẽ thế nào? ảnh 2Nhiều người lo ngại bỏ điểm sàn sẽ làm mất kiểm soát đầu vào đại học

Lo ngại mất kiểm soát đầu vào

Trước việc Bộ GD-ĐT dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh đại học 2017, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội có ý kiến ngược lại. PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng, để vào được đại học, thí sinh phải đạt được trình độ nhất định mà chúng ta vẫn gọi là “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào”. Tốt nghiệp THPT cũng được coi là một mức ngưỡng nhưng lấy đó làm điều kiện để xét thí sinh đủ trình độ theo học ĐH thì có lẽ chưa ổn.

“Bộ vẫn nên đặt ra một ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong tuyển sinh đại học như điều kiện đủ bên cạnh điều kiện cần là tốt nghiệp THPT” - PGS.TS Trần Văn Tớp bình luận. Cùng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng lo ngại không có ngưỡng đầu vào sẽ xảy ra tình trạng các trường tuyển sinh tràn lan, vượt chỉ tiêu. Lúc đó, tuyển sinh chất lượng đầu vào thấp, cùng với chương trình giảng dạy của trường không đảm bảo sẽ dẫn đến đầu ra thấp.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, việc bỏ điểm sàn đại học chỉ phù hợp khi nước ta có một môi trường đại học đồng đẳng và các trường đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nhất định. “Đầu vào thấp, sinh viên ra trường kém chất lượng, các nhà tuyển dụng không hài lòng sẽ dẫn tới lãng phí thời gian, tiền bạc của người học, tạo ra một vòng luẩn quẩn và gánh nặng cho xã hội” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng lo ngại. Bên cạnh đó, việc bỏ điểm sàn còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc phân luồng nghề nghiệp. Những thí sinh trên điểm sàn được quyền xét tuyển vào đại học, thí sinh dưới điểm sàn chỉ được xét tuyển vào các trường cao đẳng, trường nghề. Nếu chỉ cần tốt nghiệp THPT cũng có thể xét tuyển đại học thì nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng hệ thống các trường nghề ngày càng “ế ẩm”.

Trước những lo ngại này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, 2 năm nay, Bộ đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT. Trên thực tế, các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này. Năm 2016, mặc dù Bộ có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển trong khi rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy, thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường. 

Còn đối với các trường, việc hạ thấp chuẩn đầu vào cũng khiến cho uy tín của trường bị ảnh hưởng, do đó các trường sẽ tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín. Mặt khác, năm nay, Bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ còn tập trung vào đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.