- Công an Hà Nội công bố quyết định sắp xếp tinh gọn bộ máy khi không tổ chức Công an cấp huyện
- Người dân sẽ làm căn cước ở đâu sau khi bỏ Công an cấp huyện?
![]() |
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên trả lời báo chí |
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5-3, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng - người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin đến báo chí về kết quả sắp xếp bộ máy của Bộ Công an, đặc biệt là việc chấm dứt hoạt động của cơ quan Công an cấp huyện trên toàn quốc từ ngày 1-3 vừa qua.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, thực hiện Nghị định 02 ngày 18-2 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, từ ngày 1-3-2025, ngành Công an tiếp nhận thêm 5 nhóm nhiệm vụ từ các bộ, ngành khác, đồng thời mô hình tổ chức Công an cấp địa phương giảm từ 3 cấp xuống 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã, chấm dứt hoạt động của công an cấp huyện).
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, trong thời gian ngắn, ngành Công an đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn với yêu cầu cao. Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thiện tốt nhiệm vụ kiện toàn bộ máy.
Theo đó, đã giải thể 694 Công an cấp huyện, 5.916 đội trực thuộc và số cán bộ rất lớn được điều chuyển.
Đại diện Bộ Công an nêu rõ, khi không tổ chức Công an cấp huyện thì chức năng nhiệm vụ của Công an huyện được điều chỉnh, giao cho Công an cấp tỉnh và cấp xã.
Trong đó, một số công việc của Công an cấp huyện được chuyển giao về cấp tỉnh, nhất là nhóm công việc của cơ quan điều tra. Đến nay, Công an các địa phương chỉ còn cơ quan điều tra cấp tỉnh. Một số công việc gần hơn với người dân như giải quyết các thủ tục hành chính… được giao về Công an cấp xã. Đây là 2 nhóm công việc chủ yếu trong công tác phân cấp nhiệm vụ.
Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, đến hôm nay (5-3), sau 5 ngày vận hành bộ máy mới, mọi việc hoạt động của Công an các địa phương ổn định, việc giải quyết thủ tục của người dân không bị gián đoạn, cơ bản không có gì vướng mắc.
Lãnh đạo Bộ Công an đã cử các đoàn tới các địa phương để kiểm tra, giám sát các hoạt động, giải quyết các vấn đề kịp thời.
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, nhằm phục vụ nhân dân thuận tiện hơn, ngay từ cơ sở, khi không tổ chức Công an cấp huyện, Bộ Công an đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiệm vụ cho Công an cấp xã; xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn, bổ sung phương tiện…
Đặc biệt, Bộ Công an đã ban hành hướng dẫn về phân cấp thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến khi không tổ chức Công an cấp huyện.
Theo đó, tại Công an cấp xã đủ điều kiện, có thể tiếp nhận, giải quyết tối đa 35 thủ tục hành chính/ dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh (4 thủ tục); cấp và quản lý căn cước (16 thủ tục); định danh và xác thực điện tử (1 thủ tục); quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (3 thủ tục); đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (11 thủ tục).
“Từ 1-3, Công an xã có thể thực hiện một số thủ tục hành chính mà trước đây thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an cấp huyện như: Đăng ký xe ô tô, xe máy chuyên dùng; cấp mới, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; cấp tài khoản định danh điện tử cho cơ quan, tổ chức; tiếp nhận hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe…” – Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên nói.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp thủ tục hành chính/ dịch vụ công trực tuyến ở Công an cấp xã, Bộ Công an đang chỉ đạo các cục nghiệp vụ liên quan tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để phục vụ người dân được tốt hơn.