Bộ Công an nêu lý do cấp thiết phải có quy định mới về quản lý vật chứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Theo Bộ Công an, thực tế có trường hợp cơ quan thụ lý vụ án chưa kịp thời chuyển giao vật chứng vào kho vật chứng mà quản lý tại phòng làm việc nên đã xảy ra trường hợp mất vật chứng…

Theo Bộ Công an, Nghị định 18/2002/NĐ-CP về Quy chế quản lý kho vật chứng được ban hành cách đây 21 năm nên nội dung không còn phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Thực tế, cơ quan chức năng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi nhập, xuất, bảo quản, chuyển giao vật chứng.

Các quy định của pháp luật hiện hành về tiếp nhận, quản lý, bảo quản vật chứng được quy định tại Bộ luật TTHS 2015, Bộ luật TTDS, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi…chưa cụ thể hóa được nội dung của hoạt động này trong quá trình thực hiện;

Nghị định 18/2002/NĐ-CP quy định vật chứng thuộc loại mau hỏng, không thể bảo quản lâu tại kho vật chứng (như lương thực, thực phẩm tươi sống, dược phẩm, dược liệu…), được chuyển giao cho cơ quan chức năng để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật nhưng trong quá trình thực hiện lại có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho cơ quan trong quá trình xử lý vật chứng;

Bên cạnh đó, Khoản 6 Điều 1 Nghị định 70/2013/NĐ-CP quy định, vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ… thì phải được niêm phong và gửi tại hệ thống Kho bạc Nhà nước cùng cấp nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở, tuyệt đối không được lưu thông, nhưng trên thực tế gặp khó khăn, vướng mắc khi áp dụng (Thông tư 135/2018/TT-BTC quy định việc quản lý với tiền mặt tạm giữ do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản, không nhận vật chứng là tiền mặt đã được niêm phong)…

Vẫn còn trường hợp cơ quan thụ lý vụ án chưa kịp thời chuyển giao vật chứng vào kho vật chứng theo quy định để quản lý, bảo quản khi đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà vẫn quản lý vật chứng tại phòng làm việc, khu vực làm việc nên đã xảy ra trường hợp mất vật chứng…

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách trong công tác chuyển giao vật chứng tại một số cơ quan, địa phương do còn né tránh trách nhiệm, chưa có chế tài cụ thể quy định, quy trình nhập, xuất, lưu giữ, bảo quản vật chứng.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định về quản lý kho vật chứng thay thế Nghị định 18/2002/NĐ-CP và Nghị định 70/2013/NĐ-CP là cần thiết nhằm bảo đảm thống nhất hệ thống pháp luật hiện hành và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Dự thảo Nghị định về quản lý khi vật chứngquy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc; hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, nhập, xuất, lưu giữ, bảo quản, chuyển giao vật chứng, tài liệu, đồ vật khác thu thập được của các vụ án và kinh phí bảo đảm trong quản lý kho vật chứng; Việc tổ chức kho vật chứng trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Bộ Tư pháp trong quản lý kho vật chứng

Dự thảo cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quyết định bộ máy tổ chức kho vật chứng trong Công an nhân dân; thành lập, sáp nhập, giải thể các kho vật chứng; quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu thiết kế, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ, các hạng mục công trình phụ trợ, cơ sở dữ liệu quản lý vật chứng; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý kho vật chứng và quy định nội quy kho vật chứng trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự…