Bịt chặt lỗ hổng, không để đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản

ANTD.VN - Ngày 6-11, Quốc hội dành trọn thời gian làm việc để nghe báo cáo và thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng lần này, ngoài những chế tài để xử lý nghiêm các đối tượng tham nhũng, cần quan tâm đặc biệt đến quy định về việc thu hồi tài sản tham nhũng. 

Bịt chặt lỗ hổng, không để đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản ảnh 1Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

- Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử nghiêm minh song số tài sản tham nhũng thu hồi được sau xét xử còn rất thấp. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta đúng là còn có nhiều bất cập. Có tình trạng là khi ta xét xử thì đối tượng tham nhũng đã tẩu tán hết tài sản nên không thu hồi được. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có nguyên nhân từ kẽ hở của pháp luật và có cả nguyên nhân trực tiếp trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện việc thu hồi tài sản. 

Chúng ta vẫn chưa định nghĩa một cách đầy đủ về việc loại tài sản nào thì được gọi là tài sản tham nhũng nên khi xử lý thu hồi tài sản rất lúng túng. Quy định pháp luật cũng chưa đủ chặt chẽ để xử lý được việc tẩu tán tài sản tham nhũng, bởi việc này được thực hiện dưới rất nhiều hình thức, thậm chí là các thủ tục hợp pháp như chuyển nhượng, tặng, thừa kế… Chúng ta đã có quy định bắt buộc một số diện cán bộ có chức vụ phải kê khai tài sản nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập. Thế nhưng, trong hầu hết trường hợp, chúng ta không xác minh tài sản kê khai này. Mặt khác, trong một số trường hợp, nhiều khi chính bộ máy, cơ quan làm nhiệm vụ chống tham nhũng lại chưa làm tròn trách nhiệm của mình, chưa truy đến cùng của vụ việc, dẫn tới thu hồi tài sản tham nhũng không hiệu quả.

- Như vụ việc của nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý đã được kết luận kê khai tài sản thiếu hàng nghìn mét vuông đất song lại chưa xác minh được tài sản này có bất hợp pháp hay không?

- Tất cả các vụ việc khi chúng ta phát hiện vi phạm, đã có kết luận thì phải đi đến tận cùng chân lý. Còn trong các vụ án tham nhũng, trước hết phải xử lý theo quy định pháp luật, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý. Nếu còn tiếp tục sử dụng được cán bộ đó thì nguyên tắc là không được sử dụng, sắp xếp vào các vị trí có khả năng tham nhũng. Còn quan điểm của riêng tôi, nếu là cán bộ đã có tham nhũng, tốt nhất là nên từ chức và đừng bao giờ làm việc trong Nhà nước nữa. 

- Có ý kiến cho rằng, với những người có hành vi tham nhũng bị kết án tử hình nhưng chủ động nộp lại tài sản tham nhũng thì nên xử giảm nhẹ, quan điểm của ông?

- Đây là một trong những nội dung còn nhiều tranh luận khi bàn về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này. Trong quy định pháp luật của chúng ta trước nay, khi xét xử các vụ án đều có áp dụng quy tắc xem xét các yếu tố, tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Có những trường hợp đúng là đáng phải tử hình nhưng người phạm tội đã ăn năn hối lỗi, đã tự nguyện trả lại tài sản tham nhũng thì nên được giảm nhẹ. Tôi nghĩ rằng việc này cần được khuyến khích, bởi họ đã biết hối lỗi, chủ động khắc phục hậu quả thì nên cho họ một con đường sống còn hơn là không thu hồi lại được tài sản cho Nhà nước.