“Bình thường thì chẳng thắp hương...”

ANTĐ- “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng lễ hội, ông đã đi kêu đi cầu ở đền chùa phủ miếu nào chưa?

- “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng lễ hội, ông đã đi kêu đi cầu ở đền chùa phủ miếu nào chưa?

- Những nơi một đồn mười, mười đồn trăm là linh thiêng “xin gì được nấy” thì không dám tới, chỉ xin Thần Phật hai chữ Đại xá, chứ đến đấy thì làm sao mà chen chân vào được. Tâm đang an tĩnh, bỗng dưng chen vai thích cánh, bị nghe nói tục chửi bậy, bị “chặt chém”... rồi cáu lên chẳng hóa “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”?

- Với lại mình là dân thường, có xin Thần Phật độ thì cũng chỉ xin gia đình bình an, con cháu khỏe mạnh sáng láng chứ có như mấy ông quan xin thăng quan tiến chức, “Tiền vào như nước sông Đà...” đâu!

- Kinh hoàng với lễ hội, méo mó tâm linh, lệch lạc nhận thức, chẳng biết với cái đà này rồi sẽ đi đến đâu?

- Dân gian có câu: “Bình thường thì chẳng thắp hương/ Đến khi cùng đường mới ôm chân Phật”.

- Hay, nhưng có tính “biểu tượng hai mặt”!

- Cụ thể?

- Nghĩa đen thì đã rõ, còn nghĩa bóng mới đáng ngẫm. Lần này không nói chuyện “ôm chân” khi những người có sai phạm đến mức xử lý kỷ luật, chỉ nói một chuyện: Ông đang là công chức có tí khả năng, hàng ngày ông vẫn tin là cứ làm chuyên môn cho tốt thì sẽ được cấp trên ngó ngàng tới chứ gì. Nhưng, đùng một cái (hoặc không đùng) có vị Chánh phó Giám đốc, trưởng phòng nào đấy chuẩn bị nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, thế là có một cuộc đua “maratông” về tiền bạc để “chạy chức”. Ông hàng ngày vẫn sống bình thường, bây giờ “ôm chân” cũng dở, không “ôm chân” cũng phí. Ông chọn đường nào?

- Đây là chuyện người mất rồi. Thế nếu ông là “Phật-Người”, ông sẽ chọn “thằng” nào?

- Không được biến câu phải trả lời thành câu hỏi. “Phật đích thực” sẽ biết cách lựa chọn.

- Biết ai là “Phật đích thực” thời buổi này? Thôi, trước mình sống thế nào, giờ cũng cố mà sống bình thường như thế vậy!