Bình chọn Quốc phục không như thi hoa hậu

ANTĐ - Đề án Quốc phục Việt Nam đã khởi động được vài năm nay với nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu văn hóa và người dân. Tuy vậy, ở một khía cạnh khác, đề án này lại nảy sinh những mâu thuẫn trong quan niệm. 

Người Nhật có Kimono làm quốc phục thì Việt Nam có áo dài. Ảnh: Internet

Chưa thống nhất về tiêu chí

Quốc phục không đơn thuần là một bộ trang phục đẹp mà còn ẩn chứa một kho tàng mỹ thuật, mỹ học, trang trí, một câu chuyện lịch sử và đại diện văn minh của một dân tộc. Vì thế, ngay trong quan niệm có nên tổ chức cuộc bình chọn Quốc phục phù hợp đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhà sử học Lê Văn Lan đã không ngần ngại chia sẻ: “Tôi chỉ cần văn hóa chứ không quan tâm đến Quốc phục Việt Nam. Trong hiện trạng văn hóa đang xuống cấp như hiện nay thì việc bình chọn Quốc phục là không cần thiết. Bộ VH-TT&DL hãy chăm sóc nhiều hơn đến đời sống văn hóa của nhân dân”. Đấy là chưa kể, cho dù được báo chí, truyền hình đưa tin và viết bài về đề án Quốc phục khá rầm rộ nhưng rất nhiều nhà nghiên cứu đã trả lời thành thật rằng không quan tâm đến đề án này.

Đồng tình với quan điểm của GS. sử học Lê Văn Lan, nhà biên kịch Phan Huyền Thư cho biết: “Tôi nghĩ, thay vì việc chọn Quốc phục thì điều nên làm nhất hiện nay là tập trung vào một mũi nhọn duy nhất, đấy là “Phục quốc” về mặt văn hóa nghệ thuật. Biết bao công trình di sản cần đầu tư, bảo tồn và quảng bá, biết bao nghệ nhân, làng nghề và các loại hình nghệ thuật dân gian đang dần biến mất, biết bao quần thể  di tích đang bị quy hoạch, xâm hại... 

Quốc phục gắn liền với đời sống của nhân dân

Bộ Quốc phục đẹp nhất

Quốc phục của một dân tộc trước hết phải sống trong lòng nhân dân, gắn bó mật thiết với đời sống của người dân, mang hồn cốt và linh hồn người Việt Nam. Vì thế, nếu như người Nhật có áo Kimono thì người Việt Nam mặc nhiên có áo dài. Cứ cho rằng, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm sau cuộc thi thiết kế lễ phục sẽ tìm ra một bộ Quốc phục nhưng liệu có dễ dàng được chấp nhận nếu như bộ trang phục đó không xuất phát từ trong đời sống của nhân dân. Chính điểm mâu thuẫn này trong đề án Quốc phục Việt Nam đã khiến cho một bộ trang phục được chọn ra lúng túng ngay trong tiêu chí lựa chọn. Hơn thế, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An còn cho rằng “Bình chọn Quốc phục không giống như đi thi hoa hậu. Năm nay bầu hoa hậu này, năm sau lại có thể bầu hoa hậu khác. Và đặc biệt, lựa chọn Quốc phục Việt Nam không thể dựa vào ý kiến của số đông mà nên xem đây là một đề tài nghiên cứu liên quan đến nền văn hóa dân tộc, sẽ là câu chuyện của hàng trăm năm, ngàn năm chứ không phải là chuyện một sớm một chiều”.

Vậy là, vấn đề liên quan đến Quốc phục Việt Nam đã không còn dừng lại ở việc tìm ra một bộ trang phục phù hợp nhất mà đã được các nhà nghiên cứu văn hóa nâng lên một tầm cao hơn. Đó là lịch sử và bản sắc văn hóa Việt trải qua hàng nghìn năm phải được thể hiện trên bộ trang phục. Nhà biên kịch Phan Huyền Thư đã bảo vệ quan điểm của mình tới cùng với ý nghĩ “Với tôi, Quốc phục đẹp nhất của người Việt Nam lâu nay khiến cả thế giới biết đến là lòng yêu nước và sự phi thường khi đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập. Không có bộ lễ phục nào đẹp bằng sự hiểu biết và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình...”.