Biết hiểm nguy, cũng không thể nghĩ cho riêng mình

ANTĐ - “Trong lúc đối diện với tội phạm, người chiến sỹ nào cũng chỉ có một ý nghĩ duy nhất là không để đối tượng trốn thoát, nào ai còn thời gian mà kịp toan tính cho riêng mình” - Trung úy Nguyễn Hữu Cường, trinh sát Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy - CATP Hà Nội bình thản nói như vậy khi chúng tôi hỏi về những nguy cơ phơi nhiễm HIV trong lúc tham gia đánh án ma túy.

Biết hiểm nguy, cũng không thể nghĩ cho riêng mình  ảnh 1Kiên quyết trấn áp tội phạm, lực lượng công an không có đủ thời gian 
suy nghĩ hơn thiệt cho bản thân

Hiểm nguy thường trực

Câu chuyện về những y bác sỹ đang đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV sau khi cứu sống một bệnh nhân có H khiến không ít người liên tưởng đến lực lượng Cảnh sát PCTP về ma túy. Qua báo chí, qua những câu chuyện truyền tai nhau, thậm chí qua chính trải nghiệm của bản thân, người dân ngày càng hiểu về những nguy hiểm mà các chiến sỹ Cảnh sát ĐTTP về ma túy phải trải qua, cũng như sự dũng cảm của các anh khi đối mặt những tên tội phạm có HIV. 

Đã “đánh” án ma túy, hầu như chiến sỹ nào cũng từng gặp đối tượng mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Để trốn tránh sự trừng phạt của luật pháp cho tội lỗi của mình, tội phạm ma túy sẵn sàng dùng đủ mọi thủ đoạn để đối phó với lực lượng làm nhiệm vụ. Ngoài các loại hung khí, vũ khí “nóng”, bọn chúng còn lấy cả mầm bệnh của mình làm công cụ chống trả hoặc đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ để chạy thoát thân. Trung úy Nguyễn Hữu Cường, trinh sát Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy chia sẻ: “Thực lòng, khi gặp những vụ án có đối tượng mang HIV, anh em chúng tôi chỉ biết tâm niệm chắc nguy hiểm… tránh mình ra. Lúc đối mặt với đối tượng, chẳng ai kịp nghĩ ngợi gì nữa, chỉ cốt sao bắt được bọn chúng, không để chúng tiếp tục gây án, đe dọa sự bình yên, tính mạng, sức khỏe của người dân”. 

Chính vì vậy, nên việc Cảnh sát PCTP về ma túy dính máu của đối tượng có HIV là… chuyện thường ngày. Đại úy Nguyễn Tiến Long, cán bộ Đội Ma túy CAH Thanh Oai nhớ lại: “Mặc dù biết đối tượng Chung ở Ba Vì nghiện nặng và nhiễm HIV đã lâu nhưng khi phát hiện đối tượng mua bán ma túy trong nhà, tôi cùng một số anh em khác quyết tâm vào bắt. Bị quật ngã, đối tượng vùng vẫy, cố tình cắn trả để tìm thời cơ chạy thoát. Nhưng anh em kiên quyết không buông, bắt bằng được để triệt phá tụ điểm bán lẻ ma túy gây nhức nhối này”. Khi chúng tôi hỏi cảm thấy thế nào sau những vụ tai nạn như vậy, Đại úy Long cho biết: “Lúc tĩnh tâm cũng hoang mang một chút, nhưng sau đó các bác sỹ điều trị bảo không sao thì mình cũng yên tâm”. 

Đại úy Long bảo, thuốc đặc trị phơi nhiễm rất độc hại. Ai cũng biết điều đó nên chỉ khi anh em chiến sỹ cảm nhận thấy nguy cơ lây nhiễm rất cao mới bắt buộc phải dùng. Trong thời gian kéo dài gần một năm điều trị, sức khỏe của Đại úy Long cũng giảm sút nhiều. “Người gầy rộc đi, nhưng khi người thân hỏi thì lại phải giấu. Nói mình bị tai nạn như thế sợ gia đình càng lo lắng thêm” - Đại úy Long tâm sự.  

Mới đây, trọng vụ bắt đối tượng Nguyễn Thị Hiền (SN 1987) về tội mua bán ma túy tại huyện Mỹ Đức, các trinh sát cũng đã bị đối tượng này chống trả quyết liệt. Mắc AIDS giai đoạn cuối, đối tượng đã tự cắn xé chân tay để máu me đầy người. Khắp nhà đối tượng Hiền chỗ nào cũng đầy kim tiêm dính máu, ngay cả trong chăn, gối, quần áo giặt sạch cất trong tủ đối tượng cũng cài loại “vũ khí” này. May mắn là trong lần đó, lực lượng công an không ai bị trúng “bẫy” chết người.

Mỗi vết xước trên tay là nỗi… giật mình

Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy chia sẻ: “Mỗi khi anh em đi “đánh” án về đến cơ quan, thấy anh em lành lặn thì mình mới có thể thở phào. Là chỉ huy, việc lo cho lính là lẽ đương nhiên. Nhưng với Cảnh sát chống tội phạm về ma túy, nỗi lo ấy kéo dài  suốt cả quá trình làm án cho tới cả năm trời sau khi phá án. Bởi việc phơi nhiễm HIV không có biểu hiện như bất cứ căn bệnh nào khác, mà phải qua thời gian dài 6 tháng theo dõi, xét nghiệm mới biết kết quả chính xác. Thế nhưng, chưa kịp đủ quãng thời gian chờ kết quả ấy, những người lính đã lại phải tiếp tục lao vào cả chục vụ án khác đang chờ đợi. Và trong những vụ án mới, lại tiếp tục xảy ra những nguy cơ phơi nhiễm mới. Cứ như vậy thì chỉ huy luôn trong tình trạng thấp thỏm lo cho lính đến tận lúc… về hưu”. 

Trung úy Nguyễn Hữu Cường kể: “Có những lúc đi bắt đối tượng về, giật mình khi nhìn thấy có vết xước trên tay. Có nhiều vụ biết chắc đối tượng có HIV thì anh em còn chủ động đi điều trị được, ngại nhất là trường hợp chính bản thân đối tượng còn không biết chúng đã có HIV. Lúc đó đành trông chờ may rủi. Đến giờ Trung úy Nguyễn Hữu Cường vẫn chưa quên  lần phá án năm 2009, các anh quây bắt một đối tượng mua bán ma túy bị HIV giai đoạn cuối. Khi thấy tổ công tác, đối tượng đã tự gây thương tích để máu chảy lênh láng trên sàn nhà. Khi đó, tổ công tác đã phải lấy chăn bông cuốn đối tượng lại đưa về trụ sở. 

Kết thúc câu chuyện với phóng viên, Trung úy Cường bảo thực ra lúc say nghề và vì nhiệm vụ thì chẳng ai nghĩ ngợi gì. Anh chỉ tâm tư về việc người thân, bạn bè sẽ không hiểu nếu ai đó trong số những đồng đội của anh không may mắn gặp tai nạn nghề nghiệp. Có thể anh chưa biết, nhưng trên thực tế, người dân giờ đã hiểu thêm rất nhiều về công việc của các anh, và luôn mong các anh chân cứng đá mềm, vượt qua mọi hiểm nguy để tiếp tục giữ bình yên cho cuộc sống này.