Biển sạch để ngư dân yên tâm

ANTĐ - Khi biết thủ phạm gây nên sự cố môi trường biển cúi đầu nhận lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu USD, người dân ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cảm thấy nhẹ nhõm hơn, yên tâm hơn! Ngư dân Mai Xuân Tình chia sẻ chân thành: “Tiền đền bù bao nhiêu rồi cũng tiêu hết, chúng tôi cần biển, chúng tôi muốn bám biển ra khơi. Có như vậy, chúng tôi mới có việc làm và ổn định lại cuộc sống như trước đây”.

Mong qua đận khó khăn

Ngư dân Mai Xuân Tình (69 tuổi) trú thôn Đồng Yên, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết: “Từ khi cá chết trắng biển, ngư dân chúng tôi đã  đặt nghi ngờ lớn nhất là do Formosa rồi, nên giờ được nghe công bố cũng thấy đỡ hoang mang”. Sau sự cố cá chết, hàng trăm ngư dân rơi vào tình trạng thất nghiệp. Những con thuyền nằm lặng yên trên bãi cát.

Từ sáng 1-7, các ngư dân ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) kiểm tra lại tàu thuyền, máy móc để bám biển, vươn khơi trở lại

Cuộc sống của ngư dân bám biển lâm vào khó khăn. “Trước đây, chồng và con tôi đều đi biển. Công việc khó khăn nhưng mỗi chuyến như vậy cũng được từ 10 đến 15 triệu đồng, gia đình còn có đồng ra, đồng vào. Gần 3 tháng nay, đi biển về cá cũng không bán được nên đành nghỉ. Không có thu nhập từ biển nên chúng tôi chi tiêu rất eo hẹp”, bà Nguyễn Thị Tín (55 tuổi) trú ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh giãi bày.

Ngư dân Nguyễn Bá Gặp chia sẻ: “Chúng tôi nhớ biển, chúng tôi muốn vững tâm ra khơi”

Cũng giống như nhà ông Tình, gia đình anh Hoàng Anh Hùng (37 tuổi) trú ở xã Kỳ Lợi cũng gặp khó khăn khi biển ô nhiễm. Nhà có 6 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, kinh tế phụ thuộc vào những chuyến đi biển của anh Hùng.Thời gian vừa rồi, gia đình anh Hùng không có tiền mà chi tiêu hàng ngày.

Người đàn ông này cho biết: “Formosa cam kết đền bù và trả lại môi trường biển sạch rồi đấy, nhưng để biển sạch được như xưa sẽ mất bao lâu? Ngư dân chúng tôi mong lắm một câu trả lời từ các cơ quan chức năng để yên tâm bám biển mưu sinh”. Không chỉ các ngư dân sống bằng nghề biển mà những chủ nhà hàng, quán ăn kinh doanh hải sản cũng điêu đứng trong thời gian qua.

Trên âu thuyền ở biển Kỳ Phương, bà Đậu Thị Vân (48 tuổi) chia sẻ: “Trước đây mỗi ngày chúng tôi thu nhập được 4-5 triệu đồng thì nay ngày may mắn lắm mới được 400.000-500.000 đồng, có ngày chẳng được đồng nào”.

Vững tâm ra khơi trở lại

Tìm ra nguyên nhân khiến cá chết, người dân phần nào yên tâm hơn. Bởi theo họ, tìm ra nguyên nhân rồi sẽ có biện pháp để phục hồi. Và khi đó, ngư dân có thể thoải mái  trở lại biển với những chuyến tàu đầy tôm cá, còn người dân, du khách thì hào hứng tiêu thụ hải sản trở lại.

Ngư dân Võ Xuân Minh (66 tuổi) trú ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh chia sẻ thêm: “Biết chắc chắn được nguyên nhân khiến cá chết rồi thì chúng tôi mong họ sẽ có trách nhiệm làm thế nào để biển sớm sạch, cho chúng tôi được ra khơi.Chỉ có như vậy cuộc sống của chúng tôi mới trở lại bình thường được. Chứ bây giờ già nửa cuộc đời sống bằng nghề biển mà bảo chúng tôi chuyển sang làm nghề khác thì làm sao mà thích nghi được”. Trong sáng 1-7, nhiều chủ thuyền đã bắt đầu sửa chữa, kiểm tra máy móc để bám biển vươn khơi.

Anh Nguyễn Viết Nam (38 tuổi) trú ở xã Kỳ Lợi vừa lúi húi kiểm tra lại máy móc của thuyền, vừa nói: “Formosa phải chịu trách nhiệm về việc xả thải khiến cá chết là điều đương nhiên. Từ việc thải độc ra môi trường khiến bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh nợ nần, mất công ăn việc làm. Giờ phía Công ty Formosa cam kết bồi thường nhưng đền bù như thế nào mới là điều quan trọng. Tiền bao giờ đến tay người dân và số tiền đó có đủ để chúng tôi trả nợ hay không. Bao nhiêu rồi cũng tiêu hết, cái chúng tôi cần là biển sạch trở lại để ngư dân có thể ra khơi, người dân yên tâm ăn tôm cá”. 

Đó cũng là mong muốn chung của tất cả các ngư dân quanh năm bám biển.

GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Việt Nam: Sớm khắc phục hậu quả để ngư dân tiếp tục bám biển

Biển sạch để ngư dân yên tâm  ảnh 4

“Nhìn vào kết quả xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung vừa được công bố có thể thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước đã làm việc hết sức nghiêm túc, khoa học và thận trọng. 

Về những công việc trong thời gian tới, việc phục hồi môi trường biển không phải vấn đề đơn giản. Quan trọng là phải ngăn chặn không để nguồn thải tiếp tục đổ ra biển và đợi môi trường tự nhiên tự phục hồi. Cùng với đó, cần phải tiếp tục đánh giá, xử lý và kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu Formosa không để việc xả thải diễn ra như vậy.

Ngoài ra, trong việc đền bù, khắc phục hậu quả, phải làm sao để ngư dân có thể tiếp tục bám biển, không phải chuyển đổi nghề nghiệp Việc ngư dân tiếp tục khai thác vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sinh kế về lâu dài, đồng thời cũng góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. 

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban Phát triển thuỷ sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam: Kết luận kịp thời và rõ ràng

Biển sạch để ngư dân yên tâm  ảnh 5

“Hội Nghề cá nói riêng, bà con ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung rất hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân, công bố rõ ràng, nêu đích danh nguồn và thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung vừa qua. 

Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo điều tra về ảnh hưởng của 2 chất hóa học mà các nhà khoa học đã tìm ra là phenol và xyanua đối với biển Việt Nam. Nếu biển đã an toàn thì phổ biến cho ngư dân để họ yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, nên có cuộc điều tra về vấn đề việc làm của ngư dân các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường. Nhân việc này, chúng ta giải quyết cơ bản việc chuyển đổi nghề cho ngư dân. Ngoài ra, cũng cần xem xét lại hiệu quả hoạt động của cơ quan kiểm soát về môi trường”. 

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Cần hỗ trợ người dân thiết thực nhất

Biển sạch để ngư dân yên tâm  ảnh 6

Điều mà tôi quan tâm nhất sau khi Công ty Formosa nhận trách nhiệm về việc cá chết là đời sống của người dân, đặc biệt là ngư dân ở những địa phương chịu hậu quả nặng nề từ vụ việc này sẽ thế nào. Bởi bám biển và đánh bắt hải sản là nghề của ngư dân, họ đã ra khơi cầm chừng trong suốt mấy tháng qua, giờ muốn biết bao giờ mới có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Về điều này, chúng ta nhất định phải có biện pháp hỗ trợ người dân một cách thiết thực và cao nhất. Hậu quả từ việc này là vô cùng nặng nề, chưa kể khó mà có thể khắc phục môi trường biển trong thời gian ngắn. Tôi nghĩ sau sự việc này, chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ và xử lý các vi phạm về môi trường một cách nghiêm khắc, triệt để. 

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR): Không cho phép lặp lại những sự cố tương tự

Biển sạch để ngư dân yên tâm  ảnh 7

“Việc công bố kết luận vụ cá chết là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, việc bây giờ là làm sao để biển miền Trung có thể phục hồi, đảm bảo cho ngư dân có thể tiếp tục khai thác nguồn lợi hải sản. Đây là những việc hết sức quan trọng và có thể coi là những thách thức.

Như chúng ta đã biết, kinh tế các tỉnh miền Trung rất khó khăn, người dân phụ thuộc nhiều vào biển với các hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển như hải sản, du lịch... Thế nên, sự cố môi trường này ảnh hưởng rất lớn tới người dân. Sau sự cố này, người dân bị thiệt hại có thể sẽ được đền bù và tạo công ăn việc làm nhưng không phải tất cả đều có thể làm việc trong các nhà máy, vì vậy cần tìm hướng để có thể phục hồi một cách bền vững. 

Qua sự việc này cũng có thể thấy, từ việc đầu tư, kiểm soát, đều được thực hiện theo quy trình nhưng vẫn có sự cố môi trường.  Do đó, cần xem xét lại những quy trình đó để đảm bảo không lặp lại những sự cố trong tương lai”. 

NSND Phạm Thị Thành: Cần giám sát chặt chẽ ngay từ đầu

Biển sạch để ngư dân yên tâm  ảnh 8

Việc tìm ra nguyên nhân cá chết đã được các cơ quan chức năng làm rất cẩn thận, có sự góp mặt của các nhà khoa học uy tín. Tôi thấy cách làm việc không vội vàng, tỉ mỉ và có trách nhiệm với kết quả đưa ra rất cần được hoan nghênh. Vì thế, qua sự việc này, tôi mong muốn mỗi doanh nghiệp nước ngoài đến kinh doanh tại nước ta cần được các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ hoạt động ngay từ ban đầu. Có như vậy, những hệ lụy đáng tiếc mới ít có cơ hội xảy ra.  

Diễn viên kịch câm Hoàng Tùng: Nâng cao trách nhiệm với môi trường

Biển sạch để ngư dân yên tâm  ảnh 9

Qua sự  cố môi trường tại các tỉnh ven biển miền Trung, các bên có liên quan cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình đối với môi trường. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp tại Việt Nam, để không xảy ra những sự cố về môi trường như Công ty Formosa đã gây ra. Dù công ty này sẽ chịu trách nhiệm đền bù nhưng việc khắc phục môi trường biển nguyên vẹn như ban đầu cần rất nhiều thời gian, công sức.