Biến nỗi đau thành nghĩa cử

(ANTĐ) - Một tuần sau khi vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị với triệu chứng ban đầu là ho và sốt, bé Nguyễn Viết Minh (32 tháng tuổi) trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã không qua khỏi. Ca tử vong của bé gây nên nhiều tranh cãi mà theo gia đình nguyên nhân có thể là do sốc khi bác sỹ tiêm thuốc. Sau 1 tháng, lời giải đáp chính thức được đưa ra trong cuộc trao đổi giữa Bệnh viện này và báo giới chiều qua trước sự chứng kiến của gia đình cháu bé.

Sau sự cố cháu bé 32 tháng tuổi tử vong tại bệnh Viện Nhi Trung ương:

Biến nỗi đau thành nghĩa cử

(ANTĐ) - Một tuần sau khi vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị với triệu chứng ban đầu là ho và sốt, bé Nguyễn Viết Minh (32 tháng tuổi) trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã không qua khỏi. Ca tử vong của bé gây nên nhiều tranh cãi mà theo gia đình nguyên nhân có thể là do sốc khi bác sỹ tiêm thuốc. Sau 1 tháng, lời giải đáp chính thức được đưa ra trong cuộc trao đổi giữa Bệnh viện này và báo giới chiều qua trước sự chứng kiến của gia đình cháu bé.

Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương trao đổi thẳng thắn và cởi mở với các phóng viên
Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương trao đổi thẳng thắn và cởi mở với các phóng viên

Nghĩa cử lớn sau nỗi đau mất con...

Ngày 24-7 khi chị Trương Phương Thảo (mẹ cháu bé) đưa cháu Minh vào viện khám. Các bác sỹ chẩn đoán ban đầu là cháu bị ho, sốt do viêm amiđan. Vì tại khu điều trị tự nguyện không còn giường bệnh nên sau đó cháu được chuyển sang khoa cấp cứu. Tại đây, cháu Minh được các bác sỹ truyền nước và tiêm một mũi Evantax. Tuy nhiên, sau khi tiêm thì mặt cháu Minh xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ khiến chị Thảo vội vàng gọi bác sỹ. Ngay sau đó các bác sỹ đã tiến hành làm các động tác cấp cứu. Thế nhưng, huyết áp và nhịp tim của cháu vẫn tiếp tục giảm, trong khi vẫn sốt cao khiến các bác sỹ phải chuyển cháu vào trong khu Hồi sức cấp cứu.

Ba ngày sau khi nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu, bên Bệnh viện Nhi thông báo với gia đình chị Thảo là cháu bị nhiễm cúm B. Sáu ngày sau mặc dù Khoa Hồi sức cấp cứu đã hết lòng cứu chữa nhưng cháu không qua khỏi. Kết luận cuối cùng của bệnh viện là: cháu mất do cúm B.

Mặc dù cũng ghi nhận những nỗ lực từ phía Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện trong việc chữa chạy cho cháu nhưng gia đình chị Thảo băn khoăn không biết lý do như vậy có chính đáng không? Bởi lẽ khi đưa cháu đi khám ban đầu thì kết quả là cháu viêm thanh quản, và cũng theo kết quả khám bệnh tại Bệnh viện Nhi cháu bị viêm amiđan, vậy sau 3 ngày tại bệnh viện thì mới phát hiện ra cháu bị cúm. Vậy cháu mắc cúm lúc nào? Có phải khi sức đề kháng của cháu yếu đi và bị lây nhiễm chéo trong quá trình nằm viện mà mới mắc phải cúm B không? Nếu bị cúm B thì có gây ra kết quả như vậy không? Bởi ai cũng biết cúm B là loại cúm thông thường.

Mặc dù vừa mất con, nhưng gia đình chị Thảo cũng đã có một nghĩa cử mang ý nghĩa rất lớn. Đó là dành toàn bộ tiền phúng viếng để làm từ thiện. Số tiền này sẽ được dùng để tài trợ, phối hợp chung với Bệnh viện Nhi thực hiện 2 ca mổ tim miễn phí cho những cháu bé nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với nghĩa cử đó gia đình chị Thảo cũng sẽ nguôi ngoai phần nào nỗi đau quá lớn mà không gì có thể bù đắp lại được này.

Sẽ có sự sống khác hồi sinh

Tại cuộc họp báo, PGS, TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi của các cơ quan báo chí xung quanh sự cố này. Theo bác sỹ Liêm thì trước khi vào viện bé Minh đã khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bé đã được dùng kháng sinh Cifex, đã có giai đoạn giảm sốt, nhưng trước khi đến Bệnh viện Nhi thì sốt cao trở lại.

Tại Bệnh viện Nhi, sau khi tiêm kháng sinh Evantax cháu có triệu chứng của phản ứng dị ứng thuốc và các bác sỹ đã chống sốc theo đúng phác đồ. Đến 13h30 ngày 25-7 bé đã tỉnh, tình trạng bệnh tốt hơn. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, các bác sỹ đã cho thở ôxy, truyền dịch và tiến hành làm các loại xét nghiệm khác để chẩn đoán nguyên nhân chính xác.

Tuy nhiên, đến 16h thì bắt đầu có nhiều diễn biến xấu. Tại kết quả PCR dịch phế quản cho thấy virus cúm B dương tính. Kết quả siêu âm tim cho thấy chức năng tâm thu thất trái giảm rất nặng. Mặc dù sau đó bé được hồi sức tích cực, hô hấp hỗ trợ bằng máy thở, các thuốc tim mạch, các loại dịch truyền để nuôi dưỡng và bổ sung các thành phần cần thiết nhưng tình trạng diễn biến nặng nên không thể cứu chữa, bé tử vong sau 6 ngày điều trị.

Qua kiểm thảo, xem xét kỹ thông tin bệnh án, bệnh viện đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh gồm: cúm B, viêm phổi, viêm cơ tim do virus, sốc phản vệ, suy đa phủ tạng. Vì thế nguyên nhân tử vong là do trên nền tảng cúm B, có viêm phổi, viêm cơ tim kèm theo sốc phản vệ làm cho tình trạng bệnh nặng lên nhanh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Liệu sốc phản vệ trong trường hợp này có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ?”. Bác sỹ Lê Thanh Hải - Phó GĐ Bệnh viện khẳng định đây không phải là nguyên nhân dẫn đến tử vong vì sau khi phản ứng thuốc, bé đã được cấp cứu kịp thời và có tiến triển tốt. Tuy nhiên cũng phải nói rằng với những ca bệnh dạng này thì cũng không loại trừ đó là một tác nhân khiến cho bệnh nặng thêm.

Với câu hỏi: “Nếu vậy, tại sao các bác sỹ không thử phản ứng trước khi tiêm?”. Bác sỹ Liêm cho rằng: “Theo Thông tư số 08/1999-TT-BYT thì từ trước tới nay, các bác sỹ chỉ phải làm test phản ứng với 2 loại kháng sinh Penicillin và Streptomycin chứ những loại thuốc khác thì không cần. Trường hợp bé Minh bị phản ứng với Evantax là ngoại lệ và rất hiếm khi gặp. Đó là điều vô cùng đáng tiếc”.

Cũng tại cuộc họp báo, PGS, TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết bệnh viện đã chủ động gặp gia đình cháu bé 2 lần để giải quyết mọi ý kiến thắc mắc của gia đình. Trong lần gặp thứ 2, cha bé Minh là ông Nguyễn Viết Tấn đưa ra ý kiến làm từ thiện cùng bệnh viện bằng số tiến phúng viếng của bé để phẫu thuật 2 ca mổ tim miễn phí. Ý kiến này cũng được bệnh viện chấp nhận. Sắp tới, danh sách 2 ca mổ sẽ được thông qua và tiến hành triển khai trong thời gian sớm nhất.

Nhóm PV Bạn Đọc