Bị tuyên y án, cán bộ ngân hàng rởm lăn ra ăn vạ

ANTĐ - Không nghề nghiệp, song khi thì Chính tự nhận là nhân viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, lúc lại ba hoa rằng làm việc tại một ngân hàng. Với miệng lưỡi ấy, đối tượng đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng bằng chiêu trò “chạy” việc làm.

Bị tuyên y án, cán bộ ngân hàng rởm lăn ra ăn vạ ảnh 1Bị cáo Trần Thị Minh Chính tại phiên tòa phúc thẩm

Theo tài liệu tố tụng, thông qua một người quen, đầu tháng 4-2014, ông Ngô Văn Hà (trú ở xã La Phù, huyện Hoài Đức) gặp Trần Thị Minh Chính (SN 1973, trú tại phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để nhờ xin việc làm cho con trai. Gặp ông Hà, Chính “chém gió” rằng bản thân đang làm việc tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và hứa sẽ lo được cho anh Ngô Văn Vũ là con trai ông Hà vào làm nhân viên của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Đổi lại, tổng chi phí mà ông Hà phải đưa cho Chính là 280 triệu đồng để “quan hệ”.

Ngày 8-4-2014, ông Hà đưa cho Chính một bộ hồ sơ xin việc của con trai cùng 100 triệu đồng “đặt cửa”. Sau gần 1 tháng, lấy lý do cần thêm tiền để lo lót, Chính tiếp tục yêu cầu và ông Hà lại giao thêm 30 triệu đồng nữa. Nhận tiền xong, Chính quả quyết chỉ trong vòng 3 tháng, anh Vũ sẽ có quyết định đi làm. Thế nhưng sau mấy lần xin gia hạn, điều mong muốn của bố con ông Hà vẫn không thể trở thành hiện thực. Nhận thấy không còn trông đợi gì ở Chính, bị hại đành phải yêu cầu Chính hoàn trả lại tiền nhưng không kết quả. Cực chẳng đã, ông Hà đã làm đơn tố cáo hành vi của Chính tới cơ quan công an.

Ngoài lần lừa đảo nêu trên, giữa năm 2014, Chính “bắn tin” cho một số người quen biết rằng đối tượng là cán bộ của một ngân hàng, làm việc tại phòng giao dịch Vương Thừa Vũ và có quan hệ rộng nên có thể xin được việc làm cho người khác. Tiếp nhận thông tin từ người quen, ông Phạm Tuấn Ngọc (trú ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) tìm gặp Chính nhờ vả xin việc cho con gái tên Phạm Thị Minh Phương được vào làm việc tại một bệnh viện.

Chính hứa hẹn con gái ông Ngọc sẽ sớm được vào Khoa Phẫu thuật, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) làm việc với điều kiện ông Ngọc cần chuyển ngay cho Chính 160 triệu đồng. Không chút do dự, ngày 27-8-2014, ông Ngọc dẫn cô con gái đến nhà Chính gửi bộ hồ sơ xin việc cùng 100 triệu đồng “đặt cọc”. Nhưng cũng như lần trước, chiếm đoạt được tiền xong, Chính không có bất kỳ động thái gì để thực hiện cam kết mà nhanh chóng ăn tiêu hết số tiền của ông Ngọc.

Với chiêu trò gian dối để chiếm đoạt tổng cộng 230 triệu đồng của 2 bị hại nêu trên, ngày 22-3-2016, TAND quận Nam Từ Liêm đã đưa Trần Thị Minh Chính ra xét xử và tuyên phạt bị cáo 7 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 3, Điều 139-BLHS. Về dân sự, cấp tòa sơ thẩm cũng buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Không đồng tình với mức án phải nhận, Chính lập tức có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 10-6 vừa qua, Chính liên tục đề nghị hoãn xử nhưng lại không đưa ra được lý do gì chính đáng. Xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án cùng bản án sơ thẩm, HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội nhận thấy không có căn cứ để chấp thuận kháng cáo của nữ nhân viên Viettel rởm. Do đó, Tòa án Hà Nội đã quyết định tuyên y án sơ thẩm… Tòa vừa dứt lời tuyên án, Trần Thị Minh Chính liền gào khóc thảm thiết và lăn đùng ra ăn vạ, ngay trong vành móng ngựa.