- 550 đại biểu dự Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII
- Đại hội Công đoàn CATP Hà Nội: Nâng tầm vị thế của tổ chức Công đoàn trong Công an Hà Nội
Toàn cảnh Đại hội |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Đến dự Đại hội có nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Dự Đại hội còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội qua các thời kỳ; đại diện các sở, ban, ngành, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và 550 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô.
Theo báo cáo của Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVI trình đại hội, LĐLĐ thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 9.208 công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên, trong đó khu vực sản xuất kinh doanh có 5.781 công đoàn cơ sở với 470.024 đoàn viên công đoàn.
Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; Từng bước chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính công đoàn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng hàng năm; Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 120 triệu đồng; Lạm phát được kiểm soát, các ngành kinh tế được phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế luôn duy trì theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, dịch vụ trong GRDP.
Người lao động có việc làm ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Thủ đô cũng đứng trước những khó khăn, thách thức của diễn biến phức tạp tình hình thế giới và khu vực; xung đột Nga - Ukraina ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu; tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực vẫn đang là vấn đề nóng đang diễn ra mạnh mẽ dẫn đến người lao động có nguy cơ mất việc làm… đã tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Nhiệm kỳ tới, các cấp Công đoàn Thủ đô đặt mục tiêu “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... thu hút, tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy, là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại Đại hội |
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có những bước chuyển biến mới, toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Kinh tế Thủ đô dần phục hồi và tăng trưởng khá, năm sau tăng hơn năm trước; vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao…
Đóng góp chung vào những thành tựu trên có sự đóng góp hết sức quan trọng của tổ chức Công đoàn, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, Công đoàn Thủ đô đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, doanh nghiệp.
Các phong trào thi đua được phát động thường xuyên, sôi nổi, chất lượng được nâng lên, thiết thực và hiệu quả hơn. Hiệu quả từ các phong trào “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”, “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Người tốt việc tốt”… hàng năm đã góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần hăng say lao động sản xuất với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả” của công nhân, viên chức, lao động.
Với tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Đại hội tiếp tục thảo luận để đề ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế trong thời gian sớm nhất, để tổ chức Công đoàn Thủ đô ngày càng phát triển vững mạnh toàn diện.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Công đoàn Thủ đô tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay là xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Để làm tốt điều đó, trước hết, các cấp Công đoàn cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục đổi mới và có các giải pháp hữu hiệu để thu hút, tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động, nhằm tăng về số lượng và nâng cao chất lượng đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, nhất là khu vực ngoài Nhà nước…
Tập trung thực hiện các chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn là chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đời sống văn hoá, tinh thần... xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Từng cấp Công đoàn phải thường xuyên tổ chức tốt công tác đối thoại ngay tại cơ sở và nắm bắt kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc; kịp thời tham mưu, đề xuất với Thành phố quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật nhằm động viên kịp thời cán bộ, CNVCLĐ.
“Tại phiên làm việc thứ nhất, Đại hội đã tập trung trí tuệ, sáng suốt lựa chọn, bầu được 58 đồng chí tham gia Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 .
Tin tưởng rằng tập thể Ban Chấp hành khóa mới sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết mà Đại hội đề ra;
Để Công đoàn Thủ đô thực sự là tổ chức đại diện, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động, là cầu nối giữa công nhân lao động với Đảng và Chính quyền; đưa công tác Công đoàn các cấp của Thành phố và phong trào CNVCLĐ Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.