Bí mật ở khu "Đồi chết" và những điều chưa kể

ANTĐ - Ở bản Dền Thàng, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, Lai Châu có một khu đồi mang biệt danh ghê rợn: "Đồi chết".
Đã nghe tên "Đồi chết" từ lâu nhưng đến nay chúng tôi mới có dịp tiếp cận với "địa danh" này. Có mặt tại khu "Đồi chết" vào những ngày đầu tháng 5-2014, Trưởng công an xã Nậm Xe - Lò Văn Thang dẫn chúng tôi đến nhà anh Chang A Hòa, trưởng bản Dền Thàng. 

Người đàn ông này khoảng ngoài 40 tuổi, khuôn mặt phúc hậu cùng với dáng vẻ hoạt bát. Khi tiếp xúc, ít ai nghĩ ông lại có mối "thâm thù" khá sâu sắc đối với lá ngón. Loài cây này đã cướp đi mạng sống của 2 người thân yêu nhất của anh là chị gái và con trai cả. Biết điều đó, chúng tôi cũng không muốn khơi gợi lại quá khứ đau buồn của gia đình anh. Nhưng có vẻ như khi chúng tôi hỏi anh về "Đồi chết" ở bản, anh lại không ngăn được nỗi "ấm ức". Anh chia sẻ: "Năm 1981, người chị gái Chang Thị Mây chỉ vì bị gia đình ngăn cấm không cho lấy người mình yêu, tức chí tìm đến lá ngón để chứng minh "tình yêu mãnh liệt" của mình. Còn người con trai là Chang Minh Ngọc (SN 2004), vì muốn con có cái chữ để không phải khổ như cha mẹ nên chúng tôi gửi cháu vào học trường dân tộc nội trú. Nhưng có lẽ vì nó không hợp với cái chữ nên đã trốn học. Khi về sợ bị bố mẹ đánh liền rủ bạn học chạy ra khu "Đồi chết" ăn lá ngón tự tử. Khi gia đình phát hiện ra thì không cứu được nữa".

Bí mật ở khu "Đồi chết" và những điều chưa kể ảnh 1
Mỗi ngày khi đi qua "Đồi chết", Trưởng bản Chang A Hòa
 lại tìm nhổ cây lá ngón nào còn sót hoặc mới mọc



"Còn 'Đồi chết' có từ bao giờ thì tôi chẳng rõ. Chỉ biết rằng từ khi sinh ra, biết nhận thức đến nay đã nghe các cụ trong bản gọi tên như thế. Còn vì sao lại có tên như vậy? Đơn giản thôi! Bởi vì, khu đồi này trước đây mọc rất nhiều cây lá ngón. Đã có rất nhiều người tìm đến đây để "giải thoát" bản thân sau mỗi lần bực tức, chán chường", anh Hòa cho biết thêm.

Bản Dền Thàng có khoảng trên 130 hộ với hơn 500 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Gần 20 năm làm trưởng bản, anh Hòa đã chứng kiến hàng trăm vụ tự tử bằng lá ngón; trong đó đã có 30 người chết. Tình trạng này trở nên nhức nhối nhất là năm 2004, khi hầu như tháng nào cũng có 1 người chết vì tự tử bằng lá ngón.

Về vấn đề này, anh Hòa tiếp lời: "Nguy hiểm nhất vào thời điểm năm 2004, từ tháng 1 đến tháng 8, cứ mỗi tháng là một người, không đầu tháng thì cuối tháng, không cuối tháng thì giữa tháng có một người chết vì cây lá ngón này. Khi đó, ở trong bản lúc nào cũng bao trùm sự tang thương, chết chóc".
Hơn ai hết, trưởng bản Hòa là người thấu hiểu nhất điều này. Trước thực trạng ăn lá ngón tự tử tại bản Dền Thàng đã gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho bà con nhân dân. Nhiều đêm anh trăn trở, suy nghĩ làm cách nào để người dân bản mình "đoạn tuyệt" với lá ngón. Đầu tiên anh đến từng nhà vận động, giải thích để người dân thấy được tác hại của loài cây này. Để hạn chế tình trạng này, chính quyền nơi đây xác định phải thay đổi từ chính nhận thức của người dân. Như vậy mới giải quyết dứt điểm được tình trạng này. Ừ thì, lúc nghe cũng thấy sợ đấy! Nhưng lúc buồn chán, bực tức là quên hết và chạy đi tìm lá ngón để "giải quyết". Vậy nên, để giải được bài toán này thì còn nhiều điều phải bàn. Và trong suy nghĩ của anh lúc này, phương án tối ưu nhất là phải nhờ đến chính quyền địa phương. Nghĩ là làm. Người đầu tiên anh nghĩ đến là đi gặp anh Lò Văn Thang - Trưởng công an xã Nậm Xe để cùng bàn cách giải quyết triệt để.

Bí mật ở khu "Đồi chết" và những điều chưa kể ảnh 2
Trưởng bản Chang A Hòa trao đổi với phóng viên


"Lúc đó chính quyền địa phương cũng chưa tìm ra phương án giải quyết nào tối ưu cả. Trước tình hình trên, lực lượng công an xã đã tham mưu cho chính quyền địa phương phối kết hợp với các ban, ngành đoàn thể; lực lượng công an, biên phòng lên tận bản tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức bà con nhân dân. Khi tạo được sự đồng thuận của bà con rồi, chính quyền xã phối hợp với công an, bộ đội biên phòng cùng với hàng trăm người chia thành hai đợt đi phá, nhổ cây lá ngón. Mọi người nhổ, đào tận gốc loài cây này lên rồi chất thành những đống lớn rồi tẩm xăng đốt cháy thành than. Còn 'Đồi chết' sau khi bị 'tổng tấn công', chính quyền xã giao luôn đất cho dân trồng cây lâu năm để hạn chế loài cây dại này mọc trở lại", anh Lò Văn Thang - Trưởng Công an xã Nậm Xe cho biết.

Giờ đây, trong ý thức của mỗi người dân bản Dền Thàng đã hiểu được tác hại của loài cây lá ngón. Mỗi người dân hễ thấy loài cây này mọc ở đâu cũng tự giác phá, nhổ tận gốc. Nó không chỉ hại người chết mà ngay đến những người sống cũng phải ám ảnh suốt đời. 3 năm trở lại đây, bản Dền Thàng không còn người chết vì ăn lá ngón nữa.

Bình yên đã trở lại với bản Dền Thàng. Trong mỗi ngôi nhà, mỗi gia đình không còn những tiếng khóc than của chồng mất vợ, cha mẹ mất con...vì suy nghĩ nông nổi nhất thời. Và có lẽ, chính trưởng bản Chang A Hòa cũng được an ủi phần nào về nỗi đau mà lá ngón đã gây ra cho gia đình anh.