Bí mật “bùa sống”

ANTĐ - Phie - Pác Ả gồm hai dãy núi là Phie Bươn và Ngườm Pác Ả, thuộc địa phận xã Vĩnh Lại 
(Văn Quan - Lạng Sơn) mà từ lâu, người dân nơi đây cho rằng có sự tồn tại của kho vàng được chôn giấu dưới chân núi, cũng như những vật báu kèm theo bóng ma bên hang Ngườm Pác Ả. Ngoài ra, dưới chân núi Phie Bươn còn có vật yểm bùa.

Một vật ghè đẽo bằng đá được phát hiện

Lời nguyền trên vách núi

Đường lên Pác Ả cheo leo, rậm rạp, núi cao, vực sâu vô cùng hiểm trở, sảy chân là ngã xuống vực. Theo lời của những bậc cao niên thì ngày xưa ở Pác Ả có hai nàng tiên từ trên trời xuống. Ngày đó dưới chân núi còn có một cái giếng quanh năm mát trong, tràn trể nước uống. Hàng ngày hai nàng tiên tới giếng này tắm và lấy nước. Một hôm, giặc từ phương Bắc tràn xuống giết hại dân lành. Khi nhìn lên Ngườm Pác Ả chúng thấy có hai người con gái rất xinh đẹp liền cho người bắt lấy. Vào một đêm khuya, khi quân lính phương Bắc ngủ say hết cả, hai nàng đã bỏ trốn và bay về trời.

Ông Phan Văn Lâm, một thầy mo ở Bản Bắc kể lại, ngày còn nhỏ ông đã trèo lên Ngườm Pác Ả. Ở trên vách đá phía trong hang ông thấy có khắc 4 chữ nho, tiếc là thời gian đã quá lâu nên không thể nhớ lại nội dung của 4 chữ đó là gì. Sau này, có một số người vào tìm vàng rồi đập đẽo vách đá làm những chữ đó bị vỡ và mất hết. Ngoài ra, những người vào tìm vàng cũng đã lấy  được một số đồ dùng của hai nàng tiên trước đây. Việc này khiến cho hai nàng không hài lòng nên không cho ai tìm thấy “chiếc chìa khóa” để mở cửa vào kho báu.

Ngôi nhà của “thần giữ của” Hoàng Văn Thân dưới chân núi Phie Bươn

Đi tìm “mật mã” Pác Ả

Truy lùng kho báu, nhiều người đã lên đỉnh núi nhằm tìm ra lời giải. Đích thân ông Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại, Liễu Văn Chấn cùng với vài ba người khác cũng đã từng lên đây để tìm hiểu.

Ông Chấn cho biết: “Hang Ngườm Pác Ả ở ngay trong làng. Hồi trước thấy nhiều người đồn trên đó có kho báu nên tôi cũng tò mò và rủ thêm vài người nữa lên xem. Khi đến hang Pác Ả tôi đã nhặt được một chiếc rìu cổ bằng thạch bích ngay chân một phiến đá lớn ở giữa hang. Chiếc rìu có màu xanh, óng ánh. Về sau, tôi đã trao lại cho người tên Cường thuộc đoàn khảo sát của ngành Văn hóa”.

Theo chân ông Chấn, chúng tôi vào hang Pác Ả cố tìm lại dấu vết của 4 chữ khắc trên vách đá. Tuy nhiên, qua gần nửa ngày trong hang, chúng tôi chỉ tìm được những vật dụng như vỏ ốc, đồ gốm... chứ không thể tìm thấy dấu vết của 4 chữ đó đâu.

Ông Sầm Cảnh Dũng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trước đây, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát ở Ngườm Pác Ả và cũng đã phát hiện một số hiện vật quan trọng như rìu đá, gốm, các vật trang sức... Mặc dù chưa khai quật nhưng theo đoán định của ông thì những hiện vật này thuộc hậu kỳ đá mới hay còn gọi là nền văn hóa Mai Pha cách đây khoảng 3000 - 4000 năm. 

Người dân đồn thổi Mạ Phúc Po đã từng chôn vàng ở núi Phie Bươn

Kho vàng của bọn cướp

Theo lời kể của người dân địa phương thì ở Phie Bươn trước đây có một toán cướp tên là Mạ Phúc Po chôn rất nhiều vàng trong một cái hang dưới chân núi. Mặc dù trong sử sách và cả những tài liệu của sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Lạng Sơn không thấy ghi chép gì về nhân vật Mạ Phúc Po, nhưng người dân địa phương khẳng định nhân vật này có thật và việc chôn rất nhiều vàng trong núi cũng có thật.

Ông Phạm Văn Lâm ở Bản Bắc kể lại: Mạ Phúc Po là nhân vật cầm đầu một toán cướp từ biên giới tràn xuống và rất hung hăng, dữ tợn. Khi đến đây, chúng đã ngang nhiên giết người, cướp của khiến dân làng phải chạy trốn. Chúng lấy nơi này làm chỗ đóng quân và luyện binh trên một mô đất khá bằng phẳng. Số vàng bạc châu báu cướp được chúng đem chôn hết ở một cái hang dưới chân núi Phie Bươn. 

Khi cách mạng về đây, đạo quân này bị đánh tan. Tuy nhiên trước khi rút quân chúng đã giết chết một gia đình đang sinh sống ở hang Ngườm Pác Ả. Riêng đứa con gái chưa đầy mười tuổi của gia đình này bị chúng yểm bùa rồi đem chôn trước núi Phie Bươn làm thần giữ của.

“Người điên - thần giữ của”

Người nửa điên nửa tỉnh có tên là Hoàng Văn Nhu, người dân Bản Bắc còn gọi là “thần giữ của”. Người đàn ông này ở trên một mô đất bằng phẳng dưới chân núi Phie Bươn. “Căn nhà” do ông tự dựng bằng bốn cây gỗ rừng chỉ bé bằng cổ tay, mái lợp bằng chục nắm rơm khô, xung quanh vắt vài bộ quần áo rách tả tơi. Ở giữa “căn nhà” có một cái bếp kiềng hoen gỉ và hai, ba cái bát. Xung quanh “căn nhà” là khu vườn ổi sai trĩu cành, mùi thơm lan khắp cả một cánh rừng.

Hàng ngày ông Nhu vẫn làm những công việc đồng áng bình thường. Buổi trưa vẫn vác dao lên núi lấy củi, chiều đi làm nương rẫy, trồng nào ngô, sắn, khoai... Nhưng những sản phẩm làm ra ông đều không ăn, cũng không cho ai dù là anh em ruột thịt. Ông cứ để đó cho hoang thú ăn, khi nào hết lại trồng. Ông cũng chưa bao giờ đi ra khỏi mô đất dưới chân núi Phie Bươn. Mặc dù đã có thời gian gia đình ông đưa ra thành phố khám bệnh, rồi đưa đi cả Hà Nội chữa trị nhưng rồi ông lại chạy trốn về mô đất cũ. Theo lời dân làng Bản Bắc thì 32 năm nay, người dân chưa thấy ông ốm khi nào. 

Ông Phạm Văn Lâm kể: Năm 1979 ông Nhu đưa vợ con vào chân Phie Bươn dựng một ngôi nhà. Khi đào hố tiêu ông đã đào phải xác một đứa trẻ mà người ta cho là bùa yểm của Mạ Phúc Po. Sau ngày hôm đó ông hóa điên và thế mạng đứa trẻ làm “thần giữ của”.

Ông Liễu Văn Chấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, có rất nhiều đoàn săn đồ cổ đem cả máy móc hiện đại đến Phie Bươn dò nhưng đều không tìm thấy thứ gì. Thậm chí có đoàn còn vào để đào vàng nhưng cũng không được nên họ đành bỏ đi. Hiện nay thỉnh thoảng vẫn thấy có người đến tìm kiếm nhưng tất cả cũng chỉ lẳng lặng ra về mà không nói 
một lời.