Bi hài chuyện thông gia khinh nghĩa, trọng tiền

ANTĐ -Ngoài việc cho con rể một cái ghế nhất định để "môn đăng hộ đối" với nhà ngoại, còn lại, bố mẹ vợ anh làm việc và sinh hoạt độc lập với các con, kéo theo đó là thái độ dửng dưng với thông gia.

Sau ngày cưới, không đơn giản chỉ là việc thay đổi cách xưng hô mới mẻ: "chồng" - “vợ" mà những người trẻ còn phải gánh trọng trách của phận làm "con rể”, “con dâu”. Có khá nhiều cảnh trớ trêu, dở khóc dờ cười khi gia đình có tất thảy bốn bậc cao niên "đức cao vọng trọng": mẹ chồng, mẹ vợ, bố chồng, bố vợ.

Trọng tiền khinh… nghĩa

Lúc nào cũng được chồng quan tâm chiều chuộng, nhưng Mai Hương (nhân viên kế toán, ngõ 133 Cầu Giấy) chẳng lúc nào thấy nhẹ nhõm. Cô luôn trong tâm trạng bức bí vì mắc kẹt giữa hai bên gia đình thông gia. Cả hai vợ chồng Hương chẳng biết cư xử thế nào để hài hòa đôi bên. "Vợ chồng mình cưới nhau cũng hơn 3 năm rồi, vậy mà bố mẹ chồng chẳng bao giờ chịu ghé thăm bố mẹ mình. Trong khi bố mẹ mình thì liên tục sang hỏi thăm, quà cáp vì khoảng cách từ Kim Mã đến Cầu Giấy cũng chẳng xa xôi gì. Một năm cũng ghé qua nhà mình ít nhất 3-4 lần, Tết Nguyên đán, trung thu, giáng sinh và cả các dịp bố mẹ chồng đau ốm".

Hương than thở: "Ngày mới về làm dâu, cậu em út nhà chồng cưới vợ, nhà nội sang tận nhà mình để mời cưới. Mẹ mình tư vấn đâu ra đấy, hai bà mẹ còn rủ nhau đi sắm đồ, may áo dài chuẩn bị cho ngày trọng đại của cậu út. Bố mẹ mình mừng cưới 500 nghìn đồng. Từ ngày ấy, hễ có chuyện gì là mẹ chồng không còn niềm nở với bà thông gia nữa, lạnh tanh như đá". Thậm chí có lần mẹ chồng còn bực bội nói bóng gió của nả đầy nhà mà... bủn xỉn. Mình ấm ức đến nỗi không nói nên lời".

Trường hợp của Mạnh Tân (kiến trúc sư, tập thể Thanh Xuân Nam) đau đầu chẳng kém. Bố mẹ là công nhân nhà máy dệt, trong khi bố mẹ vợ tự mở một công ty tư nhân hoành tráng về tư vấn kiến trúc. "Cán cân" thông gia lệch hẳn về phía nhà vợ. Nhờ bố mẹ vợ "ưu ái" anh đường hoàng leo lên chức trưởng phòng thiết kế của công ty nhà ngoại. "Biết thân biết phận" bố mẹ Tân luôn gọi điện, qua lại thăm hỏi sức khỏe bên ngoại nhưng thông gia bên ngoại tuyệt nhiên không ngó ngàng đến.

Ngoài việc cho thằng rể một cái ghế nhất định để "môn đăng hộ đối" với nhà ngoại, còn lại, bố mẹ vợ anh làm việc và sinh hoạt độc lập với các con, kéo theo đó là thái độ dửng dưng với thông gia. Mùng 2 Tết, ông bà nội vừa đến cổng nhà thông gia thì thấy ông bà ngoại leo lên ô tô đi du lịch. Chưa kịp chào một tiếng, hai cụ phóng vút đi. Bố mẹ Tân chưng hửng bên chiếc xe Dream quèn. Vợ anh biết ý, vốn là người tâm lý, chăm chỉ thăm hỏi, động viên bố mẹ chồng, nhưng từ hôm đó, ông bà nội... dỗi, kiên quyết không có lần thứ 2. Giờ hai vợ chồng là "bia đỡ đạn bất đắc dĩ", hết mẹ chồng tự ti, giận dỗi lại đến mẹ vợ thờ ơ, lãnh đạm.

Anh Tân hậm hực: "Ông anh vợ ít nói, cục mịch, mãi 42 tuổi mới có bạn gái, hai người mới quen có một năm thôi mà dịp nào bố mẹ vợ cũng sang bên ấy chúc tết. Chỉ cần chị dâu tương lai mời bằng miệng là hai ông bà cuống quýt đi liền. Còn bố mẹ mình đích thân đến gửi thiệp mời đứa em cưới thì bố mẹ vợ cáo bận ngay. Tính ra thì hai bên thông gia chỉ gặp nhau chính thức được 3 lần, chủ yếu nói chuyện cưới xin. Sau đó như mặt trăng với mặt trời, lúc nào cũng trong trạng thái "chiến tranh lạnh". Sắp tới vợ sinh con gái đầu lòng, Tân gãi đầu không biết chiến tranh sẽ bùng nổ theo hướng nào.

“Đồng minh” cùng chiến tuyến

Chẳng ai có thể ngờ ông Trịnh Hòa - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị giỏi giang của một tập đoàn xây dựng có tiếng ở Hà Nội lại mang ô tô đến rước một một lão nông ngoại thành đi câu cá. Lão nông ấy có đứa con gái đẹp người, đẹp nét tên là Hồng Hạnh. Cuối tuần gặp gỡ, hai người bạn già lúc nào cũng có chuyện để nói, hễ gặp nhau là cười nói sang sảng. Họ không hề quen biết nhau từ trước, không cùng địa vị xã hội, họ chỉ mới biết nhau cách đấy đúng một năm, từ khi Minh Anh - con trai ông Hòa, quyết định chung sống trọn đời với Hồng Hạnh. Hai đứa yêu nhau tha thiết. Hồng Hạnh tuy xuất thân nghèo khó nhưng luôn thể hiện bản lĩnh vượt lên số phận, chăm chỉ học hỏi để trở thành một phiên dịch viên giỏi giang. Minh Anh hồ hởi: "Chẳng ai như nhà này, bố chồng quý con dâu như con ruột, nhiều lần chồng cũng phải ghen tị. Ngày trước, khi mình giãi bày muốn lấy Hạnh làm vợ, bố cân nhắc nhiều lắm. Mẹ mình mất sớm, cả đời bố phấn đấu sự nghiệp để nuôi con ăn học. Bố chỉ hỏi mình một câu, con có hạnh phúc không? Thấy mình trả lời chắc chắn như đinh đóng cột, ông ủng hộ luôn và từ đó hết lòng giúp đỡ gia đình nhà vợ. Với bố, thông gia êm ấm, hòa thuận thì con cái mới an tâm làm việc". 

Với suy nghĩ ấy, ông Hòa lẳng lặng đi gặp gỡ thông gia đều đặn mỗi tuần để hiểu hơn về con dâu, đồng thời cùng gia đình "bên ấy" vun vén hạnh phúc gia đình các con thật bền chặt.

Bà Vương An (Nghi Tàm, Tây Hồ) cũng tự giác bỏ tính đồng bóng, hay hờn hay dỗi để trở thành một thông gia "gương mẫu" khi con gái xây dựng gia đình. Góa chồng khi con trẻ, bà An thích nhảy đầm "thích tán gẫu cà phê, thích giao lưu bạn bè bất kể đêm hôm khuya khoắt. Nhưng từ khi con gái lấy chồng, thông gia bên nhà con rể vốn nề nếp, gia giáo là bộ đội, giáo viên; bà dần giảm bớt sở thích "ngông" của mình để con gái không bị khó xử. Bà hiểu, nhà nội sẽ nhìn vào cách sống của bà để đánh giá đứa con gái vốn ngoan hiền, nữ tính gấp 10 lần bà.

Cuối tuần, bà chủ động mời thông gia sang uống trà, đọc sách; có ngày chỉ đơn giản nghe một chương trình ca nhạc trữ tình mà bà cất công nhờ đứa bé hàng xóm thu âm lại. Hai đứa cháu bà An cũng được bố mẹ "chớp cơ hội" gửi gắm cuối tuần, chúng được sum vầy bên ông bà nội và cả bà ngoại. Hai bên gia đình cùng nhau chơi với cháu, cùng trao đổi cách dạy dỗ cháu cũng như chia sẻ quan điểm sống. Hai năm rồi, hễ ông bà thông gia đánh tiếng sang chơi là bà gạt hết nhảy múa, cà phê sang một bên để toàn tâm toàn trí với gia đình nội của con gái. Bà An nhận ra: "Khi "người ta" yêu quý mình, "người ta" mới yêu quý và nâng niu con gái mình. Mở lòng, chia sẻ yêu thương bao giờ cũng được nhiều hơn mất".

Học cách chung sống hoà bình

Sự kính trọng bố mẹ và tình cảm thân thiết giữa các thành viên trong gia đình bé nhỏ của con, theo nguyên tắc, chính là điều kiện cần và đủ để gia đình vững chắc. Khi có cơ hội, con cái nên bộc bạch tất cả những suy nghĩ và mong muốn thật lòng với bố mẹ hai bên, tranh thủ "vận may" xoay chuyển tình thế và cân bằng mối quan hệ. Trường hợp ông bà hai bên không "lung lay" hãy để sự ngây thơ, hồn nhiên của các cháu dẫn dắt, tác động tới bố mẹ. Chẳng sức mạnh nào có thể chạm đến trái tim người cao tuổi bằng những câu nói, ánh mắt, hành động ngây thơ, đáng yêu của trẻ nhỏ.

Đôi khi chỉ là câu nói nũng nịu: "Ngoại ơi, con muốn đi công viên với cả bà nội nữa". Nghe lời năn nỉ "xiêu lòng" ấy, chắc chắn chẳng có ông bà nào muốn gây mâu thuẫn, xung đột, cũng "cất" luôn những điều "nhõng nhẽo" trái tính trái nết của người già. Nói vậy, không có nghĩa những bất đồng giữa hai "lực lượng" này dễ giải quyết. Một bà mẹ chồng yêu con trai thường không muốn gia đình con xuất hiện mâu thuẫn đến mức phải ly dị... Nhưng hãy để người mẹ đó tự làm. Nếu con cái áp đặt ý kiến của mình vào bố mẹ, người lớn có thể phật ý, bác bỏ và đương nhiên các nỗ lực của con cái trở nên công cốc, thậm chí có ông bà hậm hực gọi là "xâm chiếm lãnh thổ của bố mẹ". Để duy trì hòa bình trong một đại gia đình, không có gì quan trọng hơn là tình yêu thương, biết xây dựng mối quan hệ hòa hợp giữa các thế hệ.