Bị cáo lĩnh án, bị hại… khóc thầm

ANTĐ - Nghe tòa tuyên án, lẽ ra  bà Cao Thị Liên phải tươi cười, hoan hỉ. Nhưng đằng này, người đàn bà ấy cùng hàng loạt bị hại khác lại mặt mày ủ rũ, nước mắt vòng quanh. Chuyện tréo ngoe thế, bởi bà Liên và những người cùng cảnh ngộ chẳng biết đến khi nào mới lấy lại được tài sản.  

Nguyễn Tuấn Anh (bên phải) cùng thuộc cấp của ông ta tại tòa

Vàng ròng thành “vàng mắt”

TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt vào chiều 23-5 vừa qua đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (SN 1968, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) – cựu Phó Giám đốc Chi nhánh vàng Hà Đông, thuộc Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam  20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Thuộc cấp của ông ta, Trần Ngọc Minh (SN 1970, trú phường La Khê, quận Hà Đông) – nhân viên kinh doanh Trung tâm vàng bạc đá quý Hà Đông cũng phải lĩnh 3 năm tù giam, theo tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Vụ án đã khép lại, song dư âm của nó vẫn còn dai dẳng và tệ hại hơn là tội phạm mà Tuấn Anh cùng cấp dưới của ông ta thực hiện đã đẩy hàng loạt gia đình lâm vào cảnh bần cùng.

Trước đó, cáo trạng truy tố Nguyễn Tuấn Anh và Trần Ngọc Minh thể hiện, tháng 9 – 2009, Nguyễn Tuấn Anh được Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh vàng Hà Đông. Nhận thấy cơ quan của Tuấn Anh có dịch vụ nhận giữ hộ vàng nên ngày 22-10-2011, ông Kiều Doãn Truật (trú ở quận Hà Đông) mang 12,5 lượng vàng đến gửi.

Lợi dụng sự tin tưởng và thiếu hiểu biết của ông Truật, Tuấn Anh đã để ngoài sổ sách, nhưng vẫn chỉ đạo Minh làm hợp đồng, ký tên, đóng dấu của pháp nhân và giao cho ông Truật một bộ hồ sơ. Đúng 3 tháng sau (hết hạn hợp đồng), ông Truật mang hợp đồng đến Chi nhánh vàng Hà Đông để “xin lại” tài sản của mình thì mới biết vị phó giám đốc cơ quan này đã ăn tiêu cá nhân hết. Tương tự ông Truật, trước tòa, bà Cao Thị Liên (ở huyện Ứng Hòa) tố cáo.

Giữa năm 2011, hay tin Chi nhánh vàng Hà Đông mở dịch vụ gửi giữ vàng có lãi nên bà đến gửi 180 chỉ vàng. Bà Liên phân trần. “Hai lần trước, số vàng đó tôi gửi đều được tính lãi. Nhưng từ khi có quy định Chi nhánh vàng Hà Đông chỉ được phép trông giữ tài sản hộ nên tôi không được hưởng lãi nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng họ vì không dám giữ cả đống của bên mình. Ai ngờ lại bị ông ta lừa đảo chiếm đoạt hết” - bị hại này uất nghẹn. 

Pháp nhân vô can…

Tài liệu truy tố cựu Phó Giám đốc Chi nhánh vàng Hà Đông cho thấy, bằng thủ đoạn đứng ra nhận gửi giữ vàng giúp khách hàng, nhưng không đưa vào sổ sách, từ tháng 5 đến tháng 10-2011, Nguyễn Tuấn Anh đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 1.471 chỉ vàng, tương đương hơn 6,4 tỷ đồng của 7 người dân. 

Đến dự phiên xét xử, bà Cao Thị Liên cùng 6 bị hại trong vụ án đều đồng loạt đề nghị tòa án ngoài việc xử phạt cựu Phó Giám đốc Chi nhánh vàng Hà Đông một mức án nghiêm minh còn phải buộc Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam bồi thường toàn bộ số tài sản mà họ bị mất. Cái lý được các bị hại nêu ra là  quá trình họ giao dịch và bị bị cáo chiếm đoạt mất vàng, nhưng đó không phải với tư cách cá nhân Nguyễn Tuấn Anh mà là người đại diện cho pháp nhân ký kết với khách hàng.

Việc Phó giám đốc Chi nhánh vàng Hà Đông có đưa vào sổ sách, kho giữ của cơ quan ông ta hay không, khách hàng không thể biết và cũng không có nghĩa vụ phải biết. Vì thế trong trường hợp này, Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường. Theo các bị hại, vấn đề này đã được nêu rất rõ trong Bộ luật dân sự, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân có lỗi. Điều đó cũng đồng nghĩa tư cách của các bị hại phải được chuyển thành người liên quan, còn Chi nhánh vàng Hà Đông cùng Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam  mới thực sự là nguyên đơn dân sự của vụ án.

Mặc dù nội dung và diễn biến của vụ án như vậy, nhưng sau 1 ngày xét xử, bên cạnh hình phạt nêu trên, TAND TP Hà Nội cũng đã quyết định buộc Nguyễn Tuấn Anh phải bồi thường, khắc phục toàn bộ số vàng còn chiếm đoạt đối với 7 người bị hại trong vụ án. Thế nên mới có chuyện tòa vừa dứt lời tuyên phạt, các bị hại ở dưới đều rưng rưng nước mắt. Đơn giản là vì toàn bộ số vàng mà họ mang đi gửi giữ sẽ rất khó có cơ hội trở về nhà.