Bị cáo Đinh La Thăng sợ không đủ thời gian chấp hành hết các bản án

ANTD.VN - Chiều 22-3, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm tiếp diễn với phần tranh luận của các luật sư.

Trước đó, bày tỏ quan điểm luận tội đối với nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, đại diện VKS khẳng định, bị cáo Đinh La Thăng là người có chức vụ, quyền hạn cao nhất ở PVN, có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN.

Bị cáo là người quyết định chủ trương, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo không thực sự ăn năn, hối cải mà còn có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội, né tránh trách nhiệm và hậu quả gây ra. Bản thân bị cáo trong thời gian này cũng có hành vi phạm tội và đã bị xét xử.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thành khẩn nhận lỗi về các hành vi phạm tội. Do vậy, cần có mức án nghiêm khắc để giáo dục bị cáo cũng như răn đe, phòng ngừa chung…

Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa trước quan điểm luận tội của VKS

Trên cơ sở ấy, đại diện VKS đề nghị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt nguyên Chủ tịch HĐTV PVN từ 18 năm tù đến 19 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn trong thời gian 5 năm, sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Tranh luận với quan điểm của đại diện VKS, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) nêu quan điểm: PVN đã chuẩn bị các thủ tục, cơ sở vật chất, con người để thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Do chủ trương chung của Chính phủ, PVN đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý dừng thành lập ngân hàng này.

Để giải quyết những vướng mắc và hệ lụy do việc dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt, bị cáo Thăng đã chỉ đạo cấp dưới làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có Oceanbank.

Các Ngân hàng không đồng ý tiếp nhận theo điều kiện của PVN. Chỉ duy Oceanbank đồng ý cho PVN góp cổ phần và tiếp nhận bộ máy con người, cơ sở vật chất.

Theo luật sư, quá trình điều tra, bị cáo Đinh La Thăng đã thừa nhận không có cuộc họp của HĐQT bàn riêng về việc ký Thỏa thuận 6934, nhưng điều đó không có nghĩa là các thành viên HĐQT không biết.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng

Luật sư Hoài cho rằng cần nhìn nhận, đánh giá về giá trị pháp lý của bản Thỏa thuận 6934 ngày 18-9-2008 và việc bị cáo Đinh La Thăng ký Thỏa thuận này có phải là hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến PVN bị mất vốn 800 tỷ hay không?

Tại phiên tòa, không chỉ bị cáo Đinh La Thăng mà chính Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) cũng khẳng định Thỏa thuận 6934 chỉ là bản thỏa thuận về nguyên tắc. Khi thực hiện, còn phải làm các thủ tục xin phép Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.

Cùng bào chữa cho ông Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, hậu quả vụ án là do lỗi của HĐQT Oceanbank, nay lại buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm là không hợp lý.

Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, ở lần góp vốn thứ 3, VKS cho rằng đây là việc làm vi phạm khoản 2, Điều 55 - Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, lúc đó không có cảnh báo, xử phạt nào của các cơ quan chức năng.

Trong khi đó Luật Các tổ chức tín dụng có quy định rằng, Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm hướng dẫn về trình tự, thủ tục để xử lý những trường hợp vượt quá vi phạm Điều 55. Luật sư Thiệp đặt vấn đề “Nếu là người quản lý PVN, chúng ta phải làm gì”?

Về việc mua 0 đồng Oceanbank, theo Quyết định 663 của Ngân hàng Nhà nước, luật sư Thiệp nhìn nhận không có căn cứ pháp luật. Điều này được dẫn chiếu bởi chính bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội khi xét xử sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm.

Trong đó xác định rằng Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng không có quy định về việc mua bắt buộc cổ phần của tổ chức tín dụng với số tiền 0 đồng/cổ phần. Vậy căn cứ pháp lý là cái gì? Cạnh đó, nó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của hàng chục nghìn cổ đông, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp khác được Bộ luật Dân sự bảo vệ, chưa kể Luật Doanh nghiệp cũng bị xâm phạm...

Tự  bào chữa, bị cáo Ninh Văn Quỳnh nói thấy xấu hổ vì hành vi đã gây ra

Cuối phần bào chữa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Đinh La Thăng không phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ Quyết định 663 về mua Oceanbank với giá 0 đồng.

Ngoài 2 vị luật sư nêu trên, những luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng tiếp theo cũng cùng chung quan điểm khi cho rằng nguyên Chủ tịch HĐTV PVN không cố ý làm trái và PVN không bị thiệt hại 800 tỷ đồng như truy tố.

Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Đinh La Thăng nói: “Dù kết quả cuối cùng có thế nào đi chăng nữa, bị cáo vẫn hết sức rất biết ơn các luật sư vì đã dành thời gian, dành tâm huyết để đưa ra HĐXX những sự thật khách quan, phản ánh đúng bản chất sự việc”.

“Và dù bản án tòa tuyên thế nào đi chăng nữa thì bị cáo cũng cảm thấy ấm lòng. Nhưng với thời gian mức án cáo trạng nêu, bị cáo nghĩ mình sẽ không đủ thời gian thực hiện, chấp hành hết các bản án của tòa...”- nguyên Chủ tịch PVN bộc bạch.

Được tự bào chữa, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Trưởng ban Tài chính – Kế toán, kiểm toán PVN) cho rằng, PVN đã bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đúng quy định. Điều này được thể hiện trong các báo cáo kiểm toán.

Bị cáo Quỳnh trình bày, bị cáo còn bị truy tố tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” vì đã nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối hận, xấu hổ với hành vi mình đã gây ra khi đối chiếu với tư cách của một cán bộ cần có.

“Bị cáo khai trung thực những gì đã làm, không nhận thêm căn hộ hay bất cứ thứ gì từ anh Sơn như anh Sơn đã khai” - Trưởng ban Tài chính – Kế toán, kiểm toán trưởng PVN nói. Tại phần luận tội, VKS đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Ninh Văn Quỳnh từ 24 năm tù đến 26 năm tù cho cả 2 tội danh bị truy tố,