Bị cáo Đinh La Thăng: Nghị quyết về chủ trương chưa phải là quyết định đầu tư

ANTD.VN - Sáng 20-3, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp diễn phần thẩm vấn của đại diện Viện kiểm sát (VKS), luật sư xoay quanh chủ trương đầu tư ra ngoài ngành của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Thủ tướng đồng ý PVN mới mua cổ phần

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) cùng 6 bị cáo đồng phạm bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Trưởng ban Tài chính – Kế toán, kiểm toán PVN) còn bị xét xử thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Hành vi phạm tội của các bị cáo được xác định là đã dùng 800 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) trái quy định, dẫn đến thất thoát toàn bộ số tiền này của Nhà nước.  

Mở đầu phần xét hỏi vào sáng ngày thứ 2 xét xử vụ án, đại diện VKS nêu, theo khoản 1, Điều 7 - Quy chế quản lý tài chính công ty mẹ được quy định tại Nghị định 142 của Chính phủ, việc đầu tư ra ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật và phải bảo đảm nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn. Là người đứng đầu PVN, bị cáo có trách nhiệm như thế nào đối với việc bảo toàn và phát triển vốn?

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của VKS tại phiên tòa

Hồi đáp câu hỏi của VKS, bị cáo Đinh La Thăng trình bày HĐQT có trách nhiệm quản lý phần vốn Nhà nước giao, bảo toàn và phát triển số vốn này. Thực tế, tại PVN trong suốt thời gian bị cáo là Chủ tịch HĐQT và là Chủ tịch HĐTV sau này đều tuân thủ quy định pháp luật.

Đề nghị trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, VKS ngắt lời và truy vấn bị cáo Thăng “Đến thời điểm hiện nay, khoản tiền 800 tỉ đồng PVN góp vốn vào Oceanbank có thu hồi được không”? “Trong thời gian bị cáo làm Chủ tịch HĐQT, việc đầu tư vào các dự án đều có hiệu quả” – bị cáo Thăng trả lời.

Quá trình trả lời các câu hỏi VKS đưa ra, bị cáo Thăng cho rằng đến cuối tháng 7-2011, bị cáo không còn ở PVN nữa nên trách nhiệm biết hay không biết về khoản tiền 800 tỉ đồng có thu hồi được không là không thuộc trách nhiệm của bị cáo.

Đối với việc tham gia góp vốn vào Oceanbank có báo cáo, xin phép Thủ tướng Chính phủ không, bị cáo Thăng lý giải quyền hạn của HĐQT là được quyền trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư ra ngoài ngành.

“Bị cáo ký Nghị quyết 7289 thống nhất HĐQT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc mua một phần cổ phần trong đợt tăng vốn. Nghị quyết đó chỉ có giá trị khi được Thủ tướng đồng ý” – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN trả lời. Và theo bị cáo Thăng, thực tế sau khi Thủ tướng đồng ý khoảng 3 tháng thì PVN mới quyết định mua cổ phần của Oceanbank.

Tiếp tục trả lời các câu hỏi VKS nêu ra, bị cáo Thăng cho rằng không có một quy định nào về Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hiệu lực các Nghị quyết của HĐQT. Không chấp nhận câu trả lời của bị cáo, VKS khẳng định: “Đó là suy nghĩ, nhận thức của bị cáo”

“Bây giờ tôi đang hỏi Nghị quyết 7289 bị cáo ký ngày 1-10-2008, đến tận 17-10-2008, Thủ tướng Chính phủ mới có ý kiến về nghị quyết đó. Vậy khi bị cáo ban hành nghị quyết đã có ý kiến đồng ý của Thủ tướng chưa” – VKS đặt vấn đề rất cụ thể?

Trả lời câu hỏi đó, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN trình bày, HĐQT chỉ thống nhất việc báo cáo Thủ tướng xin mua cổ phần của Oceanbank. Khi được Thủ tướng Chính phù đồng ý thì PVN mới thực hiện. “Nghị quyết đó chưa phải là quyết định đầu tư mà phải tiếp tục có báo cáo. Nghị quyết chỉ là nội bộ Tập đoàn. Việc đầu tư ra ngoài phải tuân thủ theo quy định pháp luật và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ” – bị cáo Thăng nói.

Hà Văn Thắm “nói đỡ” cho Đinh La Thăng

Không đồng tình với nhiều câu trả lời của bị cáo Đinh La Thăng, đại diện VKS sau đó đã trích dẫn Kết luận Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đối với Oceanbank.

Theo đó, kết luận thanh tra thể hiện: “Thực trạng tài chính của Oceanbank đến thời điểm 31-3-2012, vốn sở hữu giảm so với số ghi trên báo cáo tài chính gần 1.600 tỉ đồng; lỗ lũy kế hơn 922 nghìn triệu đồng...”. Từ đó, VKS cho rằng việc PVN đánh giá đầu tư vào Oceanbank có hiệu quả là không có căn cứ.

Trong khi ấy, bị cáo Thăng lại cho rằng khi quyết định đầu tư vào ngân hàng thì Oceanbank đang hoạt động có hiệu quả, chia cổ tức tới 16%, được các cơ quan kiểm tra, giám sát, kiểm toán độc lập đánh giá  bằng số  liệu cụ thể chứ không phải cảm tính. “Oceanbank là ngân hàng được niêm yết trên sàn chứng khoán” – bị cáo nguyên Chủ tịch HĐTV PVN trình bày.

Hà Văn Thắm bước đầu khai báo về diễn tiến cuộc đầu tư của PVN vào Oceanbank

Cũng trong ngày thứ 2 xét xử vụ án, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) đã trả lời nhiều câu hỏi luật sư đặt ra. Theo đó, Hà Văn Thắm trình bày năm 2008, Oceanbank có nhu cầu tăng vốn điều lệ. Do đó, giữa PVN và Oceanbank đã có cuộc gặp trao đổi về việc đầu tư góp vốn để PVN trở thành cổ đông chiến lược.

Đối với báo cáo đánh giá các yếu kém của Oceanbank, Hà Văn Thắm cho rằng việc này liên quan đến các công thức tính toán mà trọng yếu nhất là 2 chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ dự trữ dự phòng. Về bản thỏa thuận góp vốn giữa PVN và Oceanbank, Hà Văn Thắm khai do PVN chuẩn bị và được sử dụng khi đàm phán với nhiều ngân hàng khác.

Về Kết luận thanh tra năm 2012 đối với Oceanbank của Ngân hàng Nhà nước, Hà Văn Thắm cho rằng kết luận chỉ nói là ngân hàng có thể bị lỗ. Khi đó chính Trưởng đoàn thanh tra thông báo kết luận có thể bị lỗ là căn cứ theo tiêu chuẩn của một số nước đang áp dụng. Và các tiêu chuẩn này theo chủ trương trong vòng 10 năm tới sẽ áp dụng cho các ngân hàng Việt Nam nhưng thực tế đến nay vẫn chưa áp dụng.

“Cũng chính vì thế mà Thanh tra không yêu cầu Oceanbank thay đổi báo cáo, vẫn chấp nhận báo cáo tài chính của ngân hàng cũng như báo cáo kiểm toán của Delloite và không yêu cầu truy thu cổ tức đã chia cho cổ đông” – Hà Văn Thắm trình bày.