Bị cáo Đinh La Thăng: Góp vốn vào Oceanbank như gả chồng cho một cô gái!

ANTD.VN - Chiều 19-3, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm xoay quanh nội dung thẩm vấn của HĐXX sơ thẩm đối với các bị cáo…

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam – PVN) cùng 6 bị cáo đồng phạm bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Trưởng ban Tài chính – Kế toán, kiểm toán PVN) còn bị xét xử thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Trả lời các câu hỏi HĐXX đặt ra, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, bị cáo được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT/HĐTV từ tháng 2-2006 đến hết tháng 7-2011. Liên quan đến hành vi ký thỏa thuận góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), bị cáo Thăng khai bị cáo ký nhiều thỏa thuận với nhiều tổ chức, trong đó có thỏa thuận với Oceanbank.

Trước tòa, bị cáo Thăng trình bày, khi Ngân hàng Hồng Việt không được thành lập nữa thì việc ký thỏa thuận với Oceanbank cũng là để giải quyết các hệ lụy từ việc không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt. Và trước khi ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Oceanbank, PVN đã khảo sát rất kỹ nhiều ngân hàng.

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn tại phiên tòa

Cho rằng không “qua mặt” HĐQT khi ký Thỏa thuận số 6934 (ngày 18-9-2008) với Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm, bị cáo Thăng khẳng định: “Không cần phải thông qua HĐQT vì đó chỉ là biên bản làm việc thống nhất với đối tác”.

Nói về tình trạng Oceanbank ở thời điểm ký thỏa thuận góp vốn, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN khai, báo cáo của ông Nguyễn Ngọc Sự (Phó tổng giám đốc PVN khi đó) nêu rất rõ tình hình. Cụ thể, Oceanbank là ngân hàng có quy mô nhỏ, tính thanh khoản thấp và chính vì vậy mới có nhu cầu tăng vốn.

Bị cáo Thăng cũng khẳng định, Oceanbank có hệ số tín dụng trung bình khá.Do đó, khi PVN tham gia góp vốn và cùng với các cổ đông khác thì vốn điều lệ sẽ tăng lên, khả năng huy động vốn tăng lên, ngân hàng sẽ hoạt động có hiệu quả.

Trả lời HĐXX, bị cáo Thăng cho rằng mặc dù bị cáo ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank nhưng văn bản đó không có giá trị pháp lý. “Vì nếu HĐQT PVN không đồng ý, thông qua thì thỏa thuận này sẽ không có ý nghĩa gì cả”- bị cáo Thăng biện bạch.

Bị hỏi tòa hỏi “Thỏa thuận số 6934 có phải là tiền đề cho các lần góp vốn về sau không”, bị cáo Thăng đáp: “Tiền đề của việc góp vốn trước hết phải từ sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sau đó mới căn cứ vào Nghị quyết của HĐQT”. Vì thế thỏa thuận của bị cáo với Hà Văn Thắm không phải là tiền đề để góp vốn.

Tiếp tục bị tòa xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận đã có ký Nghị quyết HĐQT số 7289 ngày 1-10- 2008 về việc mua cổ phần của Oceanbank để PVN sau đó căn cứ vào văn bản này thực hiện các việc tiếp theo. Bên cạnh đó, bị cáo cũng thừa nhận việc PVN góp vốn vào Oceanbank là đầu tư ra ngoài công ty mẹ. Và theo bị cáo Thăng việc này phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Nói về thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm, bị cáo Đinh La Thăng ví von: "Việc góp vốn của PVN cũng như gả chồng cho một cô gái. Nếu cô gái xinh đẹp chưa có chồng thì đương nhiên khác với cô gái xinh đẹp mà đã có chồng".

Quá trình khai báo bước đầu, bị cáo Thăng khẳng định: “ Không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định ký Nghị quyết của HĐQT phải có trước hay có sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có quy định trước khi đầu tư ra ngoài công ty mẹ phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ”.

Và theo bị cáo Thăng, thực tế là PVN đã thực hiện đúng quy định đó. Vì sau 3 tháng khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Tổng giám đốc PVN mới quyết định chuyển tiền vào Oceanbank. Các quyết định chuyển tiền đều ghi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Với các lần góp vốn cụ thể vào Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng khai ở lần góp vốn thứ hai, bị cáo ủy quyền cho bị cáo Vũ Khánh Trường ký ban hành nghị quyết của HĐQT với nội cho phép PVN tăng vốn điều lệ tại Oceanbank thêm 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Thăng cho rằng không nắm được nội dung cụ thể vì vào thời điểm đó, bị cáo đang đi công tác. Còn ở lần góp vốn thứ 3 thì bị cáo đã chuyển công tác.

Trong ngày đầu xét xử vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm, các bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức cũng đã bước đầu được HĐXX sơ thẩm thẩm vấn xoay quanh hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước khi thực hiện việc dùng tiền của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư sang lĩnh vực tài chính, ngân hàng.