Bí ẩn kẻ sát nhân có biệt danh “người rừng” (3)

ANTĐ - Sau khi bị bắt, tên Ngô đã khai nhận hành vi sát hại anh Duy với những tình tiết, nguyên nhân mà một trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể nghĩ ra được...

Kỳ 3: TRÒ NGHI BINH CỦA ĐỐI TƯỢNG

Sau khi phát hiện một phụ nữ vẫn lén lút vào rừng tiếp tế cơm, rượu cho Ngô, Ban chuyên án cử ngay một tổ bám sát khu vực có treo túi thức ăn. Song chờ suốt đêm chẳng thấy hắn mò ra lấy cơm. Đến sáng vẫn người phụ nữ hôm trước lặng lẽ leo lên cây gỡ gói thức ăn cũ xuống, treo một gói mới lên.

Không đến nỗi khó khăn, Ban chuyên án đã xác định được người thường ngày mang đồ tiếp tế cho Ngô là Lê (SN 1970), người vợ thứ ba. Trước khi xảy ra vụ giết anh Duy, Ngô có ba đứa con với Lê. Thường ngày Ngô rất thô bạo, thường xuyên hành hạ đánh đập Lê. Thế mà nay cô ta bất chấp hiểm nguy hàng ngày vẫn lặn lội vào rừng mang cơm, rượu nuôi hắn, thật là một chuyện đáng suy nghĩ. Có thể Lê là một phụ nữ quen cam chịu hoặc vì quá yêu Ngô nên trở thành một người chung thủy đến cùng.

Cả hai lý do này đều dễ thuyết phục, nhưng trong công tác điều tra mọi nghi vấn không thể chỉ dựa vào yếu tố tình cảm để kết luận. Hơn nữa, qua 11 ngày đêm chịu gian khổ với Ngô cùng nhiều lần vòng vây đã siết chặt, Ngô vẫn thoát được, cho thấy tư duy của tên tội phạm này không đến nỗi tệ.

Ban chuyên án họp bàn, phân tích đủ các khía cạnh và đi đến kết luận: Ngô đã ép Lê tiếp tế cho hắn nhưng hắn không sử dụng số thức ăn đó. Như vậy có nhiều khả năng hắn dùng vợ để nghi binh, đánh lạc hướng chú ý của cơ quan điều tra. Mà đã nghi binh ắt phải có mục đích, đúng hơn là một hướng hoạt động khác mà hắn muốn bảo vệ bí mật. Vậy kế hoạch sắp tới hắn sẽ thực hiện là gì?

Nhiều biện pháp nghiệp vụ được áp dụng đồng loạt. Chỉ vài giờ sau Ban chuyên án đã trả lời được câu hỏi nan giải đó: Ngô không thể trụ lâu hơn trong rừng nên dùng việc tiếp tế của vợ để thu hút lực lượng truy bắt hắn về phía rừng, còn hắn vòng ra sau núi trở về ẩn nấp ở các xóm, thôn. Cao thủ hơn là Ngô đã yêu cầu một số gia đình (trong đó có cả người thân của hắn) phải đóng góp mỗi nhà từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng để hắn có kinh phí trốn ra Bắc hoặc vào TPHCM.

Theo kế hoạch thì đêm nay Ngô sẽ đến nhà một người thân để nhận món tiền đầu tiên. Lúc này lực lượng phối hợp của CA tỉnh Lâm Đồng đã được lệnh triển khai những nhiệm vụ mới. Việc truy bắt tên sát nhân Ngô được giao lại cho CA huyện Đạ Tẻh. Ngô được một số người ví như cọp ba móng từng xuất hiện ở khu vực Đông Nam bộ hồi đầu thế kỷ. Hắn tinh quái, hung ác, làm những người ở ven rừng sợ hãi phải ngủ tập trung, làm hàng rào phòng vệ. Đặc biệt là dấu vết hắn để lại ở các bãi bùn, bờ suối cũng là “ba móng” - gồm hai dấu chân và dấu mũi con dao rừng dài được hắn chống làm gậy.

Đêm 30-8-2000, lực lượng được giao nhiệm vụ phải bắt hoặc tiêu diệt tên Ngô (nếu hắn điên cuồng chống cự) là một tổ năm người gồm: đại úy Đinh Quang Phú - Đội trưởng CSHS  CA huyện Đạ Tẻh cùng thiếu úy Nguyễn Quốc Phương, trung úy Nguyễn Hữu Thiếp, trung úy Nguyễn Cường, thiếu úy Nguyễn Hưng Nam. Từ buổi chiều, tổ đặc nhiệm này đã bí mật ém quân ở khu vực thôn 3, Mỹ Đức.

Đây là vùng sườn núi có thể quan sát được động tĩnh ở những ngôi nhà rải rác dưới chân núi, đồng thời khống chế luôn con đường mòn từ dưới xóm lên núi. Nếu Ngô bị một tổ trinh sát khác phát hiện từ dưới xóm ắt sẽ phải chạy ngược lên đây. Nếu hắn từ trên núi xuống nhận tiền thì không còn cách nào khác ngoài việc dẫn xác qua chốt chặn này. Anh em tổ đặc nhiệm chờ mãi đến 21 giờ thì nghe tiếng chó sủa ở xóm dưới. Cả tổ men theo địa hình áp sát nhà ông Nguyễn Văn Khỏe. Qua kẽ hở của vách ván, ánh đèn dầu tù mù trong nhà hiện lên một bóng đen cao cao, đầu húi cua...

Sau tiếng hô lớn của Đội trưởng Phú và các mũi khác bằng nhiều cách cũng đã vào bên trong nhà. Nhưng thật lạ không thấy bóng dáng tên Ngô đâu! Không khí lặng đi, anh em toát mồ hôi vì sự trống trải đó. Bằng kinh nghiệm, Đội trưởng Phú chỉ đạo:

- Nó vẫn còn quanh quẩn đâu đây, chú ý đối tượng có hung khí!

Sau khi lục soát hết nhà trên, cả tổ dồn về phía bếp. Một chiếc thùng gỗ khá to nằm ở lối đi, Đội trưởng Phú cầm đèn pin bước đến. Dưới ánh sáng của đèn, thùng đựng lúa gần đầy. Ở một góc thùng nhấp nhô một tấm bạt phơi lúa, các chiến sĩ CA đồng loạt nhảy đến giật phăng tấm bạt ra, Ngô co rúm dưới ánh đèn và các họng súng. Hắn quả là nhanh nhạy khi trong vài giây đã nhảy được vào thùng và phủ lúa đến nửa người rồi tự đậy tấm bạt lên. Hắn được lôi ra khỏi thùng lúa, con dao rừng sắc bén hắn nắm chặt trong tay nhưng không kịp sử dụng. Hắn bị tước khí giới, còng hai tay.

Trong lúc chờ xe đến chở về CA huyện, Ngô bớt run và dần lấy lại được bình tĩnh. Hắn mếu máo hỏi:

- Các bác ơi, tội của em ở tù cỡ mấy... tháng?

Các anh CA không nhịn được cười. Một người nói đùa:

- Chắc cỡ vài năm!

Ngô tỏ ra hoảng loạn:

- Sao lâu thế? Giết có một người mà tù đến mấy năm ư? - nói rồi Ngô bật khóc hu hu. Đóng kịch giỏi đến thế là cùng. Một đồng chí CA lại hỏi:

- Hổm nay trong rừng sống ra sao?

- Đói quá em ăn lá cây, rễ cây, uống nước mưa đọng ở các hốc cây. Tối leo lên cây ngủ, ban đêm an tâm hơn ban ngày.

Sau khi bị bắt, tên Ngô đã khai nhận hành vi sát hại anh Duy với những tình tiết, nguyên nhân mà một trí tưởng tượng phong phú cũng không thể nghĩ ra được.

Vợ chồng Ngô cùng ba con gái (lớn nhất 4 tuổi, nhỏ nhất mới sinh 2 tháng) sống trên một hòn đảo nổi lên giữa lòng hồ Đạ Tẻh. Ngô nuôi vợ con bằng nghề giăng câu, chài cá trên lòng hồ. Đầu tháng 8-2000, cảm thấy có ba đứa con là quá đủ nên chị Lê - vợ Ngô ra Bệnh viện Đạ Huoai triệt sản. Trên đường từ bệnh viện về, ngồi trên xe đò, chị làm quen với một cô gái trẻ tên Triệu Thị L. (SN 1983).

Qua tâm sự, L. cho biết quê cô ở mãi tận Cao Bằng, mới vào vùng kinh tế mới thuộc xã An Nhơn, Đạ Tẻh để lập nghiệp, hoàn cảnh hiện nay cũng rất khó khăn, nghề nghiệp và chỗ ở chưa ổn định. Nghe vậy, chị Lê liền bảo: “Em là thân gái bơ vơ dễ bị lợi dụng lắm, chi bằng về ở chung với chị, phụ chị làm việc nhà, chị bao cơm, mỗi tháng cho em thêm 100.000đ?”.

L. bằng lòng. Buổi chiều hôm đó khi đi giăng câu về, Ngô thấy trong nhà có thêm một cô gái trẻ nên phấn khởi ra mặt. Thường ngày hắn về đến nhà là gây sự chì chiết, đánh đập vợ nhưng hôm nay hắn tỏ ra là một người đàn ông rất lịch lãm và tốt bụng đến đáng ngờ. Hắn ăn nói nhỏ nhẹ với vợ, hăng hái giúp vợ một số việc, mặt mày hớn hở và huýt sáo luôn mồm, thỉnh thoảng hắn lại nhìn trộm cô L. Đêm xuống, chỗ ngủ cho L. trở thành nan giải. Nhà của Ngô thực ra chỉ là một căn chòi tạm bợ rộng khoảng 12m2, chỉ có một chiếc giường duy nhất nên Ngô sắp xếp: hắn nằm sát vách, kế đến là ba đứa con, tiếp theo là vợ hắn và cô L. nằm phía ngoài. Thấy mức độ an toàn có thể tin được nên L. sau khi ngần ngừ đã nằm xuống vị trí mà Ngô sắp đặt. Ngô nằm trong, bồn chồn ngủ không được...

Qua hôm sau, Ngô gọi L. ra ngọt ngào tâm sự:

- Anh rất thích có đứa con trai nối dõi nhưng vợ anh kém quá, lại vừa triệt sản xong. Trời đất đã run rủi cho em đến nhà anh, anh xin được cưới em làm vợ bé?

Cô L. tái mặt vì sợ. Ngô tiếp tục dụ dỗ:

- Em mới là quan trọng nhất của đời anh, còn con mụ chết tiệt kia (chị Lê) anh xử lúc nào chả được!

Cô L. bịt tai bỏ chạy, Ngô hậm hực tìm vợ răn đe:

- Mày không đẻ được cho ông con trai, không xứng đáng là vợ ông. Mày phải nói sao cho con bé ấy nghe lời ông không thì ông nhận nước mày!

Biết tính Ngô thô lỗ, hung bạo nên chị Lê rất sợ. Chị gặp cô L. năn nỉ:

- Nếu em mà không chịu làm bé cho ông ấy, ông ấy sẽ giết chị. Chị chết cũng đành nhưng thương ba con còn nhỏ dại...

Chiều 12-8-2000, Ngô ra “tối hậu thư” cho vợ:

- Đêm nay mà mày không giúp ông thì... xuống hồ mà ở với cá!

Ngô bỏ đi uống rượu, đến khoảng 20 giờ say lè nhè hắn mới mò về nhà. Chẳng cần giữ ý tứ, hắn hét toáng lên:

- Đêm nay chúng mày không nghe lời ông thì sáng mai chết cả lũ!

Chị Lê sợ quá năn nỉ L. Cô L. vừa sợ vừa thương chị Lê nên chấp nhận sang nằm cạnh Ngô. Cô nghĩ rằng bên cạnh cô là chị Lê, Ngô không dám làm chuyện bậy bạ trước mặt vợ. Cô đã sai lầm... Ngô dùng bạo lực ngay với cô. Cô chống cự quyết liệt, hắn gầm lên:

- Con kia (chỉ chị Lê), không mau mau vào phụ ông còn ngồi đó ngó hả?

... Cô L. hoàn toàn bất lực. Khi Ngô thỏa mãn xong, hắn lăn ra ngáy khò khò, còn cô L. dựa vào vách khóc suốt đêm. Chị Lê ngồi cạnh cô, nước mắt tủi hờn chảy ấm trên vai... Trời còn mờ tối, Ngô đã ngụp lặn dưới hồ gỡ cá dính trong lưới. Dưới chân hòn đảo mà gia đình Ngô ở dập dềnh chiếc xuồng. L. nhìn thấy xuồng, cô không mong gì hơn là thoát khỏi địa ngục có gã đàn ông gần như mất hết tính người này. Cô cuốn vội quần áo, chạy thật nhanh về chỗ chiếc xuồng. Cô lên xuồng cật lực chèo hướng vào bờ.

Chị Lê biết rõ ý định chạy trốn của L., chị không muốn can thiệp bởi lý do đơn giản: Ngô vẫn là chồng, là người đàn ông của riêng chị, chị không muốn chia sẻ dù chỉ là sự cộc cằn, thô lỗ của chồng cho một người đàn bà khác. Mà cũng có thể chị làm lơ cho L. ra đi là vì thương cảm cho hoàn cảnh cô ấy.

Lúc mặt trời lên cao thì Ngô về, ướt lóp ngóp và cầm một túi cá chảy nước ròng ròng. Hắn nghĩ rằng sau khi bị cưỡng bức, L. coi như đã thuộc về hắn. Cô sẽ tiếc, khóc chút đỉnh nhưng nếu được vỗ về sẽ quên ngay chuyện buồn và coi hắn là chồng. Hắn cũng muốn cho cô ấy biết hắn cũng là người đàn ông đáng yêu chứ không chỉ có thô lỗ, cộc cằn. Hắn vận dụng hết cái sự tốt trong người mình, cất lên một giọng thiết tha nhất có thể có: “L. ơi, cưng ơi! Anh về rồi nè. Em ra xem anh kiếm được nhiều cá lắm...”.

Chẳng có ai đáp lại, hắn cười thầm “chắc còn nhõng nhẽo đấy mà!”. Hắn bước vào cửa và tiếp tục gọi: “L. ơi, cưng của anh ơi!”.

Trong nhà chỉ có chị Lê lặng lẽ ngồi vá áo cho con, chị lạnh lùng thốt lên một câu cụt lủn mà không cần nhìn hắn: “Đi rồi!”.

Ngô chết sững giữa nhà, túi cá rơi xuống đất. Hắn cảm thấy như vừa mất mát một cái gì đó lớn lắm, quan trọng lắm nên quíu lên hỏi dồn:

- L. đi đâu? Làm sao đi được?

- Đi bằng chiếc xuồng của ông để lại!

Ngô hiểu ra sự tình, vung tay rống lên:

- Tại sao mày để cho cô ấy đi? Mày ngu đến thế thì ông không cho mày sống nữa!

Vừa gào thét, Ngô vừa đánh vợ không thương tiếc. Chị Lê ôm đầu nhẫn nhục chịu đòn...

(Còn tiếp)