Bí ẩn ghế Chủ tịch VFF

ANTĐ - Chưa khi nào, những câu hỏi liên quan đến chiếc ghế Chủ tịch VFF lại xuất hiện nhiều như lúc này. Dù vẫn tại vị, nhưng ông Lê Hùng Dũng dường như “mất tích” khỏi vị trí của mình trong suốt hơn 2 tháng qua.

Bí ẩn ghế Chủ tịch VFF ảnh 1

Ông Lê Hùng Dũng đi đâu?

Cách đây đúng 2 năm, Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 7 tại Hà Nội chứng kiến sự đắc cử của ông Lê Hùng Dũng trên cương vị Chủ tịch VFF, thay thế ông Nguyễn Trọng Hỷ. Ông Dũng, một người quyết đoán và thức thời, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam.

Dù không xuất thân từ bóng đá, nhưng ông Dũng lại có thế mạnh là tiềm lực tài chính dồi dào… nên hầu như ai cũng tin vào khả năng ông sẽ tạo ra bước ngoặt cho bóng đá nước nhà. Ngay khi nhậm chức, ông Dũng đã vẽ ra con đường cho bóng đá Việt Nam, là phải học theo Nhật Bản. Đó là một nước đi táo bạo, cho thấy tầm nhìn của ông Dũng hơn hẳn những người tiền nhiệm. Ông Lê Hùng Dũng bắt đầu cách tân bằng cách cho “Nhật hóa” các vị trí then chốt trong bộ máy bóng đá nước nhà.

Từ Trưởng BTC giải V-League là ông Tanaka Koji, HLV trưởng tuyển nữ là ông Takashi, hay Toshiya Miura, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Thế nhưng, sau “tuần trăng mật” ngọt ngào, mọi thứ đã đi chệch quỹ đạo tới mức không thể kiểm soát. Ông Tanaka “bó tay” với sự phức tạp và khó lường của V-League, ông Takashi thì thất bại với tuyển nữ, còn ông Miura cũng không thể thành công với đội tuyển nam. Để đến thời điểm này, tất cả đều đã rơi rụng trong dang dở, đi kèm sự vắng mặt đầy khó hiểu của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Lần gần nhất, người ta thấy ông Lê Hùng Dũng xuất hiện trong một sự kiện quan trọng của bóng đá Việt Nam, đó là cuộc họp của LĐBĐ Đông Nam Á tại Đà Nẵng ngày 12-3. Kể từ đó, trong nhiều trận đấu quan trọng của đội tuyển nam ở vòng loại World Cup 2018, trong cả kỳ tích giành vé World Cup của tuyển futsal, hay bổ nhiệm HLV Hữu Thắng… không ai thấy sự xuất hiện của ông Dũng. Trên thực tế, thông tin về sức khỏe suy sụp của ông đã được nhắc nhiều tới trước đó. Có nguồn tin cho rằng, ông bị một cơn đột quỵ và đang trong quá trình dưỡng bệnh. Tuy nhiên, việc VFF trong suốt thời gian qua thiếu “thủ lĩnh” khiến người ta khó có thể an tâm với bóng đá nước nhà với bối cảnh rối ren như hiện nay.

VFF không có thủ lĩnh

Một trong những điểm yếu dễ nhận thấy nhất ở VFF trong suốt thời gian qua, là không có người “cầm trịch” để quyết mọi chuyện. Nhìn vào tổ chức này trong vài tháng gần đây, có thể thấy Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn là người xuất hiện nhiều nhất trong những sự kiện của Liên đoàn. Bên cạnh đó là Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ. Thế nhưng, hai vị Phó Chủ tịch này lại từng là nguyên nhân dẫn tới sự việc ồn ào không đáng có ở VFF cách đây chưa lâu, khi ông Gụ “vô tình” nói ra những điều tế nhị trong nội bộ VFF. Nếu ông Dũng vì một lý do nào đó không thể tiếp tục, thì ông Tuấn theo đánh giá chính là gương mặt sáng giá nhất trong vai trò trở thành Chủ tịch VFF.

Một người khác được nhắc tới trong vấn đề có thể “cầm trịch” mọi công việc ở Liên đoàn, là Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. “Bầu” Đức được coi là người “thét ra lửa” với nhiều quyết sách có ích cho bóng đá Việt Nam, nhất là việc tạo nên một “thế hệ vàng” mới như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Nhưng dường như, ông Đức lại chưa bao giờ mặn mà với chiếc ghế Chủ tịch VFF, bởi những công việc kinh doanh và việc chăm lo cho HAGL đã chiếm hết thời gian và tâm trí.

Theo thông tin từ Tổng cục TDTT, lúc này ông Lê Hùng Dũng vẫn chưa nộp đơn xin nghỉ, dù nhiều người cho rằng ông cũng không thể ngồi ghế nóng được bao lâu nữa vì sức khỏe suy giảm. Song để tìm ra một người có thể thay thế ông là một bài toán nan giải. Trước đây, khi ông Nguyễn Trọng Hỷ xin rút lui vì lý do tương tự, ông Lê Hùng Dũng đã nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu và duy nhất, để rồi dễ dàng kế nhiệm ngay sau đó.

Còn bây giờ, ông Lê Hùng Dũng khó có thể tìm một người kế nhiệm tiếp tục gánh vác trọng trách gây dựng tương lai cho bóng đá Việt Nam. Và quan trọng hơn, người đó không chỉ phải là người đủ tầm, đủ tâm để giúp bóng đá Việt Nam phát triển mà còn phải có kế hoạch và lộ trình thích hợp để đưa bóng đá Việt Nam đi đúng hướng. Học theo người Nhật hay học theo quốc gia có nền bóng đá tiên tiến nào đó không quan trọng bằng việc định hình được một chiến lược xuyên suốt và ổn định, thay vì liên tục thay đổi như thời gian qua.