Sai phạm tại bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức:

Bệnh viện và doanh nghiệp thông đồng?

ANTĐ - Tiếp tục điều tra về sai phạm nghiêm trọng trong việc cấp khống kết quả xét nghiệm cho hàng nghìn bệnh nhân tại BV Đa khoa huyện Hoài Đức, ngày 8-8, chúng tôi đã đi tìm câu trả lời: Động cơ đằng sau hành động “nhân bản” này là gì? Tại sao Công ty Dược phẩm Hà Tây không những tự nguyện cho BV này mượn 3 máy xét nghiệm mà còn “phong bì” thêm cho BV? Liệu có sai phạm trong quy trình đấu thầu mua hóa chất vào BV...

Công văn mượn máy xét nghiệm của BV Đa khoa Hoài Đức

Đi thuê máy để cho mượn

Tại Công ty CP Dược phẩm Hà Tây, tiếp chúng tôi là một cán bộ được lãnh đạo công ty sắp xếp trả lời những vấn đề liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, vị này xin giấu tên, chức vụ và đề nghị báo chí chỉ nêu chung chung là đại diện Công ty. Ngay lời mở đầu, dù chưa đề cập gì đến việc có khuất tất, sai phạm hay sự câu kết để trục lợi giữa Công ty CP Dược phẩm Hà Tây với khoa Xét nghiệm - BV Hoài Đức hay không, nhưng người đại diện của công ty này đã lập tức “đá quả bóng” trách nhiệm sang cho một chi nhánh trực thuộc công ty: “Cần phải nói rõ rằng, Công ty Dược phẩm Hà Tây hiện có 14 chi nhánh, trong đó vụ việc tại BV Hoài Đức liên quan trực tiếp đến chi nhánh Đông dược Vật tư y tế. Bản thân Công ty cũng chỉ biết vụ việc này 2, 3 ngày nay sau khi báo chí phản ánh và đã yêu cầu Chi nhánh Đông dược vật tư y tế báo cáo. Hiện Công ty đang xác minh để xem xét có hình thức xử lý với các cá nhân có liên quan” – vị đại diện này chia sẻ.

Đi vào từng vấn đề cụ thể, người đại diện của Công ty dược phẩm Hà Tây cho biết, chi nhánh Đông dược vật tư y tế đã có báo cáo lên công ty rằng sở dĩ đơn vị này cho mượn 3 máy xét nghiệm vì phía BV có công văn đề nghị xin mượn máy để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Vị này một lần nữa nhấn mạnh, công văn xin mượn máy của BV Hoài Đức gửi thẳng đến Chi nhánh Đông dược vật tư y tế và chi nhánh này tự đứng ra cho BV mượn máy, không báo cáo với Công ty. Đáng chú ý, bản thân Chi nhánh Đông dược vật tư y tế không có máy mà họ phải liên hệ mượn và… thuê máy của một công ty bán hóa chất khác, trong đó có máy phải thuê với giá 10 triệu đồng/ năm, để cho BV Hoài Đức... mượn.

Về nội dung một số cán bộ khoa Xét nghiệm BV Hoài Đức tố cáo Công ty dược phẩm Hà Tây đã có “phong bì” gửi cho BV Hoài Đức để thúc đẩy việc đấu thầu cung cấp hóa chất vào BV, người đại diện Công ty dược phẩm Hà Tây cho biết, ông đã được xem clip quay lại cảnh lúc xé phong bì mà Công ty Dược phẩm Hà Tây gửi cho khoa Xét nghiệm – BV Hoài Đức và thấy tổng số tiền trong phong bì là 5,4 triệu đồng. Tuy vậy, để xác định tính xác thực của việc đưa, nhận phong bì này vào dịp nào, mục đích ra sao… cần phải chờ đợi kết quả từ cơ quan điều tra. Quan điểm của công ty nếu việc đưa tiền như vậy nhằm thúc đẩy để thuận lợi hơn cho việc chào thầu, trúng thầu là sai, vi phạm quy chế. Tuy nhiên, qua xác minh của phóng viên được biết, đơn vị đứng ra ký hợp đồng với BV Hoài Đức là Công ty CP Dược phẩm Hà Tây chứ không phải các chi nhánh.

Trúng thầu vì đã “lót tay”?

Để làm rõ hơn trách nhiệm của Công ty Dược phẩm Hà Tây trong vụ việc này đến đâu, chúng tôi tiếp tục liên hệ làm việc với ông Nguyễn Thạc Hưng, Giám đốc Chi nhánh Đông dược vật tư y tế - thuộc Công ty dược phẩm Hà Tây, cũng là đơn vị đã trúng thầu cung cấp hóa chất sinh hóa và hóa chất huyết học cho BV Hoài Đức trong 2 năm 2011 và 2012. Theo báo cáo của đơn vị này, năm 2011, tổng giá trị gói cung ứng hóa chất mà đơn vị trúng thầu tại BV Đa khoa Hoài Đức là 237.360.000 đồng và đã cung ứng cho BV là 222.030.000 đồng. Năm 2012, tiếp tục trúng thầu gói này với giá trị 1.082.931.000 đồng nhưng trên thực tế cả năm BV chỉ đặt mua hóa chất với trị giá là 873.806.000 đồng.

Ông Hưng cho biết, trong năm 2012, công ty trúng thầu cung cấp hóa chất xét nghiệm cho BV Hoài Đức và cung cấp vật tư tiêu hao cho 10 BV khác như BV Đống Đa, BV Đa khoa các huyện Đan Phượng, Mỹ Đức, Thường Tín… Trong số này, chỉ có duy nhất BV Hoài Đức là công ty cho mượn máy xét nghiệm. Còn về chuyện đơn tố cáo phản ánh giá hóa chất mà công ty bán cho BV Hoài Đức cao hơn nhiều so với giá các BV huyện khác đang đấu thầu, ông Hưng cho biết: “Chúng tôi là doanh nghiệp, khi BV Hoài Đức mời thầu thì chúng tôi vào tham gia đấu thầu theo đúng quy trình. Sau đó nhận được thông báo trúng thầu từ BV Hoài Đức nên chúng tôi tiến hành triển khai thực hiện gói thầu, còn giá cả hóa chất của các công ty cung cấp cho các BV khác là bao nhiêu, có thấp hơn so với giá chúng tôi cung cấp cho BV Hoài Đức hay không thì tôi cũng không rõ”.

Trên thực tế, việc đấu thầu hóa chất, thuốc men hay vật tư y tế vào BV được thực hiện theo nguyên tắc cùng một sản phẩm thì giá của hãng nào thấp nhất sẽ trúng thầu. Việc một công ty trúng thầu mà không khẳng định được giá bỏ thầu của đơn vị mình là thấp nhất, không nắm rõ giá bỏ thầu của các hãng khác có thực sự cao hơn giá của đơn vị mình hay không, quả là khó hiểu. Hỏi liệu có phải đơn vị trúng thầu vì đã “phong bì” lót tay và chủ động cho khoa Xét nghiệm – BV Hoài Đức mượn máy xét nghiệm hay không, ông Nguyễn Thạc Hưng cho biết: “Việc này phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra, hiện tôi không thể nói gì hơn”.

Trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người đến làm xét nghiệm tại BV Hoài Đức, tính cả những người bị cấp khống kết quả xét nghiệm, là các bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này cho thấy có khả năng việc cấp khống là để trục lợi từ chính Quỹ BHYT. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam cho biết, trước thời điểm 1-8-2013 vừa qua, Hà Nội chưa tăng viện phí nên mỗi xét nghiệm được quỹ BHYT thanh toán 11.000 - 23.000 đồng. Như vậy, nếu có khoảng 1.000 phiếu xét nghiệm khống thì khoa Xét nghiệm của BV Hoài Đức sẽ trục lợi được khoảng 70 triệu đồng từ Quỹ BHYT. 

Dù động cơ của việc làm sai trái này còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra mới khẳng định được, nhưng trước mắt Quỹ BHYT đã tạm ngưng thanh toán chi phí đối với BV này. Ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: “Ước tính thiệt hại tài chính cho Quỹ BHYT từ việc BV giả mạo kết quả xét nghiệm nói trên không quá lớn, nhưng hành vi thì nghiêm trọng”. Nếu bác sĩ căn cứ vào kết quả xét nghiệm sai lệch để điều trị thì hậu quả cho người bệnh là khôn lường.