Bệnh sốt xuất huyết tăng bất thường

(ANTĐ) - Hết dịch cúm gia cầm bùng phát giữa mùa hè, dịch tiêu chảy cấp lan rộng giữa mùa thu, đến lượt dịch sốt xuất huyết cũng đang có nguy cơ bùng phát trái mùa.

Bệnh sốt xuất huyết tăng bất thường

(ANTĐ) - Hết dịch cúm gia cầm bùng phát giữa mùa hè, dịch tiêu chảy cấp lan rộng giữa mùa thu, đến lượt dịch sốt xuất huyết cũng đang có nguy cơ bùng phát trái mùa.

Ngành y tế nước ta đang phải đối mặt với một năm mà các dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Tiêu chảy cấp ra, sốt xuất huyết vào

Đó là tình trạng đang xảy ra trong những ngày gần đây tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia. Điều dưỡng trưởng Trần Thị Lê Na, khoa Virus – ký sinh trùng của Viện này cho biết, từ gần 1 tuần nay (tính từ 22-11), số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng nhanh chóng.

Trung bình mỗi ngày có khoảng gần chục bệnh nhân sốt xuất huyết, cá biệt có hôm có đến 14 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Với tình trạng như vậy, Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia vừa phải điều trị những bệnh nhân tiêu chảy cấp còn lại, vừa khử trùng vệ sinh, phòng điều trị để diệt và phòng chống nguy cơ phảy khuẩn tả lây lan ra ngoài môi trường, lại vừa phải tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân sốt xuất huyết đang tăng từng ngày.

Bệnh sốt xuất huyết bất ngờ tăng mạnh
Bệnh sốt xuất huyết bất ngờ tăng mạnh

Hiện Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia đang có khoảng 30 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị. Điều ngạc nhiên là số bệnh nhân này tập trung chủ yếu ở Hà Nội, trong đó đông nhất là 4 quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng – những điểm nóng nhất về dịch tiêu chảy cấp của thành phố.

Không rõ có mối liên hệ nào giữa hai bệnh này không? Có điều có thể khẳng định được, dịch tiêu chảy cấp ở 4 quận trên diễn biến phức tạp hơn so với các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố là do công tác xử lý môi trường ở đây chưa tốt, nhất là trên địa bàn này có nhiều ao, hồ, kênh nước đọng, đây cũng là nguy cơ làm bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Theo điều dưỡng trưởng Trần Thị Lê Na, số bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị phần lớn là thanh niên, có độ tuổi từ 19-26 tuổi. Trong số này có nhiều em là sinh viên -  theo điều dưỡng Na, nhiều sinh viên có thói quen ngủ không buông màn nên bị muỗi đốt dẫn đến mang bệnh.

Nặng nhất là trường hợp của sinh viên Trang (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn), do thức khuya học, bị muỗi đốt nên mắc sốt xuất huyết, các bác sĩ đã phải truyền dịch, bù khối tiểu cầu máy...  mới hồi phục được.

Cần nâng cao ý thức phòng bệnh

“Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa hè. Năm ngoái, vào thời gian này bệnh sốt xuất huyết đã được khống chế từ lâu. Thế nhưng năm nay thì lại khác, dù đã là mùa đông nhưng số bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn đông...”. Đó là ý kiến của bác sĩ Hoàng Văn Tuyết, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia về đợt sốt xuất huyết này.

“...Thực ra bệnh sốt xuất huyết vẫn kéo dài từ mùa hè đến nay chứ không phải bây giờ mới tái phát, thời gian trước do nhiều bệnh nhân tiêu chảy cấp nên nó tạm thời bị che lấp. Hiện các ca sốt xuất huyết đã vào viện nhiệt đới điều trị chủ yếu là ca bệnh nặng”.

Cũng theo bác sĩ Tuyết, chủng virus gây sốt xuất huyết lần này vẫn không thay đổi, đó là chủng vi Rus dengue. Tuy nhiên các con vật trung gian gây lây truyền dịch sốt xuất huyết năm nay thì đã phức tạp hơn rất nhiều. Cụ thể, từ trước đến nay chúng ta vẫn ghi nhận có 2 chủng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là chủng Aedes Aegypti (xuất hiện ở khu vực đồng bằng, thành phố) và chủng Aedes albopictud (tồn tại ở khu vực trung du, miền núi).

Tuy nhiên, năm nay chúng ta đã phát hiện ra cả chủng Aedes albopictu xuất hiện ở Hà Nội và nhiều tỉnh đồng bằng, những chủng muỗi truyền bệnh này cũng đã có nhiều sự biến đổi về mặt sinh học. Điều này khiến cho công tác phát hiện, phòng chống, điều trị bệnh trở lên rất khó khăn.

Cũng giống như các bệnh truyền nhiễm khác, cách tốt nhất để đối phó với bệnh sốt xuất huyết là phòng bệnh.

Dù đã là mùa đông nhưng tuyệt đối không được chủ quan mà phải tăng cường cảnh giác với căn bệnh này, nhất là phải tăng cường giáo dục sức khỏe cộng đồng, giáo dục ý thức vệ sinh phòng chống bệnh cho mỗi người dân.

Tiến Hưng