Bệnh nhân... sợ nắng nóng

ANTĐ - Thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến lượng người đổ bệnh, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ tăng mạnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội ngày 29-5, trong khi một số cơ sở quá tải thì một số nơi khác lại giảm vì sợ nắng nóng nên người bệnh cố gắng hạn chế đến viện.

Bệnh nhân... sợ nắng nóng ảnh 1Nắng nóng kéo dài, bệnh nhi nhập viện có xu hướng gia tăng

Cả bệnh viện lẫn bệnh nhân đều ngột ngạt

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, kể từ đầu đợt nắng nóng, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người đến khám tăng khoảng 10-15% so với ngày thường, trong đó, bệnh nhân tăng huyết áp chiếm chủ yếu. Bác sĩ Nguyễn Văn Long, khoa Khám bệnh cho biết, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám và nhập viện điều trị có thể tiếp tục tăng trong những ngày tới khi nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nguyên nhân vì nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể người cao tuổi điều hòa thân nhiệt kém nên chịu nhiều ảnh hưởng từ nhiệt độ bên ngoài, dễ dẫn tới các bệnh tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, tiểu đường... 

Trong khi đó tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày nắng gắt vừa qua, số bệnh nhi đến khám giảm 10-15% so với ngày thường. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện có 2.300 trẻ đến khám, khoảng 1.200 trẻ điều trị nội trú, không có tình trạng nằm ghép. Bác sĩ Phan Thị Ngọc Lan, khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, do nắng nóng nên với những trẻ bị bệnh phụ huynh thường cố gắng khắc phục bằng điều trị tại nhà, trừ trường hợp nặng buộc phải đi viện thì mới đưa vào viện khám. Trẻ đến khám trong thời gian này chủ yếu là các bệnh sốt, bệnh về da, tiêu chảy. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, với số lượng khoảng 2.300 trẻ đến khám mỗi ngày, bình quân mỗi bệnh nhi có thêm 1-2 người lớn đi kèm, khiến không khí vốn chật hẹp tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày nắng nóng này càng trở nên ngột ngạt. Bất cứ chỗ nào râm mát, có quạt đều đông nghịt người đứng, ngồi. Trẻ đang ốm, cộng thêm nóng bức khó chịu, khiến trẻ càng quấy khóc nhiều hơn, còn người lớn thì uể oải, mệt mỏi.

Phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh

Tương tự các bệnh viện tuyến Trung ương, tình hình khám chữa bệnh của các bệnh viện Hà Nội trong những ngày nắng nóng hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, xáo trộn. Trước tình trạng này, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn yêu cầu các bệnh viện của thành phố phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám, người bệnh nằm viện, đặc biệt tại các khoa Nhi, Hồi sức cấp cứu, Hồi sức tích cực. Đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt cho bệnh nhân, sắp xếp lại các khoa khám bệnh để giảm tối đa thời gian chờ đợi của bệnh nhân…

Ngày 29-5, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác chống nóng tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Trước đó, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội cũng đã kiểm tra công tác chống nóng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Qua kiểm tra cho thấy, các bệnh viện đều đã bảo dưỡng toàn bộ hệ thống quạt và bổ sung quạt cho các khoa, phòng đông bệnh nhân, thậm chí ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây còn bố trí thiết bị phun sương và mắc mành chống nắng nhằm giảm nhiệt độ cho các khoa, phòng, bố trí thêm các bình nước tại hành lang để cung cấp nước uống cho bệnh nhân và gia đình người bệnh…

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phòng bệnh 

Ngày 29-5, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, trong những ngày qua, có những bệnh viện lượng bệnh nhi tăng đến 40%, nguyên nhân do thời tiết quá nóng, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để tránh cho trẻ bị viêm đường hô hấp trong thời tiết nóng, không nên bật quạt quá mạnh trực tiếp vào người trẻ; không để chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa phòng điều hòa nhiệt độ và bên ngoài (không nên để nhiệt độ chênh lệch quá 5 độ C); hạn chế cho trẻ uống nước đá, ăn kem, ăn thức ăn trực tiếp từ tủ lạnh. Cho trẻ ăn đủ chất, bổ sung vitamin và chất khoáng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Nếu trẻ bị say nóng nhẹ, cần nhanh chóng đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát, cho nằm nghỉ ngơi, nếu bị nặng cần nhanh chóng cởi bớt quần áo, chườm lạnh ở vùng trán và gáy bằng khăn ướt và theo dõi nhiệt độ cơ thể; cho nạn nhân uống nước mát, tốt nhất là cho uống nước pha oresol đúng liều lượng.