Nắng nóng, người già, trẻ nhỏ ồ ạt nhập viện

ANTĐ - Hôm qua, tại khoa Nhi của các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhi đến khám tăng mạnh. Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ tại khoa Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn sáng 4-5, 5 phòng khám của khoa đều phải hoạt động hết công suất do lượng bệnh nhi quá đông.

Nắng nóng, người già, trẻ nhỏ ồ ạt nhập viện ảnh 1Thời tiết nắng nóng khiến nhiều trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp. (Ảnh chụp tại bệnh viện Nhi Trung ương chiều 4-5) 

Hơn 30 phút mới lấy được… số thứ tự

Bế cậu con trai mới 4 tháng tuổi đang sốt cao gần 40 độ C trước cửa khu vực phòng khám Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn, anh Nguyễn Thành Đông (ở Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết anh phải xếp hàng đến hơn 30 phút mới lấy được… số thứ tự để tiếp tục đợi tới lượt khám.

“Thằng bé nhà mình sốt, bỏ ăn từ hôm thứ bảy (mùng 2-5) nhưng do đang dịp nghỉ lễ nên vợ chồng để theo dõi sức khỏe cháu tại nhà, cố đợi tới sáng nay mới đưa đi khám ai ngờ gặp cảnh đông như ngày hội thế này. Hỏi ra mới biết nhiều người cũng có tâm lý giống mình, cố đợi qua dịp nghỉ lễ mới đưa con đi khám” - anh Đông kể.

Theo quan sát của chúng tôi, chưa hết buổi sáng 4-5 đã có đến trên 100 trẻ được khám. Đa số trẻ được chỉ định điều trị ngoại trú nhưng vẫn có khá nhiều ca nặng phải nhập viện, trong đó riêng số bệnh nhi được chỉ định chuyển vào nằm tại khoa Nhi tổng hợp đã tới gần 10 trường hợp. Hiện tại, khoa Nhi là một trong 3 khoa (cùng với khoa Hô hấp, Tim mạch) quá tải nhiều nhất của Bệnh viện Xanh Pôn. 

Tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Trưởng khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, 2 loại bệnh mà trẻ gặp nhiều nhất do thời tiết nắng nóng kéo dài là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính và rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Trong đó, với các trẻ nhỏ ở thành phố, một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh đường hô hấp phải nhập viện nhiều là do ở trong phòng điều hòa và thay đổi nhiệt độ đột ngột khi từ phòng điều hòa ra môi trường bên ngoài.

“Nhất là với đối tượng trẻ mẫu giáo, nhà trẻ, qua khám và theo dõi chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp. Hiện nay các nhà trẻ, mẫu giáo đều có điều hòa nhiệt độ, khi tan học trẻ từ phòng điều hòa ra rồi được bố mẹ đón về ngay, nhiệt độ thay đổi đột ngột cộng thêm những tác nhân gây bệnh ngoài môi trường như bụi bẩn, vi khuẩn… khiến trẻ rất dễ đổ bệnh” - bác sĩ Thường phân tích.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường khuyến cáo, trong thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế đưa trẻ ra đường khi nắng nóng trên 30 độ C, nhất là tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu sốt tăng lên, ho nhiều, tiêu chảy, mất nước (mắt trũng, môi khô, khát liên tục… thì cần đưa trẻ đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Người già dễ tái phát bệnh tim mạch

Bên cạnh trẻ nhỏ, người già cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do thời tiết. Tại Bệnh viện Xanh Pôn sáng 4-5, các phòng khám nội và khu vực ngồi chờ, hành lang trước cửa các buồng khám nội chật kín bệnh nhân. Qua quan sát trên màn hình điện tử treo trước cửa khu khám nội, mới chỉ hơn 10 giờ sáng, lượng bệnh nhân đã lên đến gần 100 trường hợp, hầu hết là người già trong độ tuổi từ 60 trở lên. Trong đó, đông nhất là lượng bệnh nhân đến khám tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… 

Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng lý giải, thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người già, do vậy vào dịp nắng nóng hiện nay, nhất là lại vừa trải qua một kỳ nghỉ lễ kéo dài, lượng bệnh nhân đến khám nội, tim mạch quá tải là chuyện dễ hiểu.  

Tương tự, theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng có rất nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai biến và các bệnh lý tim mạch. Theo các bác sĩ, nếu như trời lạnh, mạch máu co lại dễ dẫn đến tai biến mạch máu não thì trời nắng nóng, nhiệt độ cao lại gây nguy hiểm bởi say nắng, say nóng, mất nước. Người có tiền sử bệnh tim mạch càng dễ bị say nắng bởi thuốc của người bị bệnh tim mạch thường lợi tiểu, do đó muốn phòng bệnh trong thời tiết nắng nóng người già cần chú ý uống nhiều nước hơn.