Bệnh nặng… học đường

(ANTĐ) - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam vừa công bố những con số thực sự gây “choáng váng” dư luận. Qua khảo sát hàng nghìn học sinh phổ thông ở các đô thị, thành phố về bệnh học đường cho thấy, có tới 79,53% học sinh bị cận thị, hơn 20% bị cong vẹo cột sống, ngực lép, lưng gù. Nguyên nhân không phải vì học sinh mang vác quá nặng, học hành quá chăm chỉ, siêng năng mà là vì… nội thất phòng học.

Bệnh nặng… học đường

(ANTĐ) - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam vừa công bố những con số thực sự gây “choáng váng” dư luận. Qua khảo sát hàng nghìn học sinh phổ thông ở các đô thị, thành phố về bệnh học đường cho thấy, có tới 79,53% học sinh bị cận thị, hơn 20% bị cong vẹo cột sống, ngực lép, lưng gù. Nguyên nhân không phải vì học sinh mang vác quá nặng, học hành quá chăm chỉ, siêng năng mà là vì… nội thất phòng học.

Cách đây 5 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các tiêu chuẩn Việt Nam về kích thước cơ bản theo chỉ số nhân trắc học sinh Việt Nam và bố trí bàn ghế phòng học. Vậy mà đến nay, ngành giáo dục phổ thông vẫn loay hoay chưa xây dựng xong quy định chuẩn về nội thất học đường. Bởi thế, bàn ghế mỗi trường mỗi kiểu. Đặc biệt là tình trạng học sinh tiểu học “ngồi nhầm” bàn ghế của các anh chị trung học là chuyện mặc nhiên ở nhiều địa phương từ bao năm nay. Không khó khăn để tìm nguyên nhân vì sao tỷ lệ học sinh nước ta lại sớm mắc bệnh học đường nặng đến như vậy. Các chuyên gia y tế giáo dục khẳng định, “thủ phạm” là bàn ghế không phù hợp với tầm vóc học sinh và phòng học không đủ ánh sáng cần thiết. Một chuyên gia thuộc Viện Y học lao động vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) nhấn mạnh, phải coi bàn ghế là “công cụ” hết sức quan trọng đối với học sinh. Các em ngồi học bốn năm năm trời với những bàn ghế ấy, lớp học, bảng học và ánh sáng đó.

Những thứ tưởng là “vô tri vô giác” nhưng thực ra lại ảnh hưởng rất lớn đến hình dáng, tầm vóc, thể chất cũng như tâm lý của cả một thế hệ học sinh. Tình trạng trên kéo dài, tất yếu học trò sẽ mắc các bệnh học đường như cận thị, vẹo cột sống, lưng gù, ngực lép kẹp. Các chuyên gia còn cảnh báo rằng, năm này qua năm khác, học sinh ngồi mãi trong tư thế gục đầu thì cột sống cổ sẽ bị chèn ép gây tổn thương dây thần kinh điều khiển hệ vận động dẫn đến rối loạn chức năng của các cơ quan hệ vận động, ảnh hưởng rất lớn và để lại hậu quả lâu dài đến tâm lý, tính cách sau này của học sinh. Nói ngắn gọn, nói thẳng, bệnh nặng học đường đang có nguy cơ biến dần những đứa trẻ khỏe mạnh, lành lặn thành trẻ “khuyết tật”. Các đoàn kiểm tra về y tế, học đường, liên ngành Bộ Y tế - Bộ Giáo dục - Đào tạo đã từng phúc tra ngẫu nhiên một số trường học tại một vài quận, huyện ở TP.HCM, “phát hiện” có tới trên 90% bàn ghế đóng sai quy cách, không phù hợp với cơ thể học sinh. Bất hợp lý và kiểu bàn ghế dính liến nhau mà mặt bàn lại phẳng lỳ.

Theo Giám đốc Công ty Thiết bị giáo dục, vì bàn ghế liền nhau nên không thể điều chỉnh độ xa gần, khoảng cách độ chênh giữa bàn và ghế lại quá lớn, thế nên hầu hết học sinh đều ngồi sai tư thế. Hơn thế, mặt bàn phẳng khiến các em khi viết và đọc thì đầu phải gục xuống. Khi sửa bàn ghế cao lên, các em lại càng gục đầu thấp hơn. Đơn giản chỉ cần làm mặt bàn nghiêng và ghế rời để học sinh dễ dàng điều chỉnh. Tương tự, phải dùng bảng chống lóa để giữ gìn đôi mắt trẻ, đồng thời không thể tùy tiện dùng đèn huỳnh quang, đèn compact, thậm chí cả đèn cao áp thủy ngân… khiến học sinh bị “ô nhiễm” ánh sáng.

Bệnh nặng học đường ở thành thị đã đến mức ấy, nói gì tới các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, khó khăn thiếu thốn. Thử hình dung hơn chục năm sau, thế hệ học sinh hôm nay sẽ đứng trong đội ngũ xây dựng đất nước ra sao với đôi mắt cận thị, lưng gù, ngực lép?

Đan Thanh