Bệnh đâu chữa đó!

ANTĐ - Từ đầu năm đến nay, nhiều hội nghị, hội thảo về đẩy mạnh cổ phẩn hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được tổ chức dồn dập và gửi đi nhiều thông điệp mạnh mẽ. Tại hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước: Thành công và những bài học đắt giá” vừa được tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra hàng loạt yếu kém của các doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh, mục tiêu phát triển loại hình doanh nghiệp này với vai trò định hướng, dẫn dắt nền kinh tế, có nguy cơ đổ vỡ nếu không kịp thời khắc phục những bất cập.

Theo thống kê, tổng số lỗ lũy kế của các doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước là 26.110 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực lỗ 12.314 tỷ đồng, Vinashin lỗ 5.000 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông có nguy cơ mất gần 724 tỷ đồng… Danh sách trên cho thấy, các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về tài chính, gây hậu quả lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tổng giám đốc một tập đoàn lớn khẳng định, phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài với tinh thần “bệnh đâu chữa đó, chữa kịp thời và triệt để”, chứ không phải làm theo kiểu phong trào. Việc cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành không nên vội vàng, làm lấy được. Càng không thể là cuộc tháo chạy mà phải có lộ trình, bước đi thích hợp với mục tiêu hạn chế tối đa thiệt hại, bảo toàn vốn và nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, tập trung xử lý dứt điểm những doanh nghiệp, dự án hoạt động thua lỗ kéo dài.

Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia, cần tập trung giám sát, kiểm tra, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, không để doanh nghiệp Nhà nước trở thành độc quyền nhằm lũng đoạn thị trường, thao túng giá cả. Nút thắt của mọi nút thắt trong thể chế kinh tế chính là tư duy về thể chế kinh tế. Vẫn còn nhiều điểm nghẽn và méo mó cần phải được tháo gỡ để nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với những quy định cụ thể về quyền chủ sở hữu của Nhà nước. Tuyệt đối tránh đưa ra những quy định ưu ái hơn cho doanh nghiệp Nhà nước, bởi sẽ tạo ra những phản ứng tiêu cực trong bối cảnh hiện nay.

Kế hoạch cổ phần hóa một lần nữa lại được “lên dây cót”, khi 6 tháng đầu năm nay không đạt được kết quả như mong muốn. Các doanh nghiệp lại tiếp tục “chạy nước rút” những tháng cuối năm trong điều kiện không thuận lợi. Sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp về tay ai không quan trọng, mà vấn đề cốt lõi là hoạt động có hiệu quả hay không, Nhà nước có thu hồi được vốn hay không. Tiến trình này không thể vội vàng cũng không chậm trễ, “bệnh đâu chữa đó”.