“Bể mộ” lớn nhất thế giới, nơi chất chứa hàng triệu sinh linh

ANTĐ -Khu tưởng niệm được mệnh danh là “bể mộ” lớn nhất thế giới, chứng tích về nạn đói năm 1945, làm hơn 2 triệu người Việt Nam chết đói, khiến ai ai cũng phải xót xa.

Nơi chất chứa hàng triệu sinh linh

Thành thật mà nói, những thông tin trong sách lịch sử phổ thông về nạn đói kinh hoàng cướp đi sinh mạng hơn 2 triệu người dân Việt Nam năm 1945, không tác động quá mạnh đến tâm trí của tôi. Thế rồi, trong những ngày lễ vu lan, ngày xá tội vong nhân 2013 này, gần 70 năm sau “thảm hoạ” ấy, tôi mới có dịp tận mắt chứng kiến những gì còn sót lại của những ngày tháng bi thương của đất nước. Có điều, “Nơi ghi dấu tội ác của phát xít Nhật và thực dân Pháp đã gây nên thảm họa 2 triệu người Việt Nam bị chết vì nạn đói”, giờ chỉ còn là một khu tưởng niệm nhỏ bé, nằm cuối một con hẻm số 17 rẽ vào từ ngách 86, ngõ 559, đường Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội…

Khu tượng niệm nhỏ bé


Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước qua cánh cổng vào khu tưởng niệm là tấm bia đá lớn, khắc bài văn truy điệu “Đồng bào chết đói năm 1945”, của GS Vũ Khiêu:

“Một cơn gió bụi vừa tan

Hai triệu sinh linh đã mất

Khí oan tối cả mây trời

Thây lạnh phơi đầy cỏ đất…”.

Có cảm giác, những dòng chữ ấy khiến cho ai khi bước vào đây, đều cảm thấy cay cay nơi khóe mắt.

Chất chứa tới hàng triệu sinh linh, nhưng khi bước chân vào nơi này, tôi không hề cảm nhận thấy không khí u ám của một nghĩa trang. Dường như nơi đây không bị ảnh hưởng bởi cái không khí ồn ào, cuộc sống xô bồ của xã hội.

Nghĩa trang an nghỉ của đồng bào chết vì nạn đói năm 1944-1945


Thật may là tôi gặp ngay được ông Đặng Văn Tuyến, khi ông đang tất bật dọn dẹp khu tưởng niệm. Ông Tuyến, sinh năm 1952, quê ở Nam Định. Ông chuyển ngành bộ đội về đây từ năm 1981 và tham gia nhiều công tác ở khu phố. Từ năm 2004, ông tình nguyện trông nom, hương khói cho khu tưởng niệm, ngày ngày chăm lo cho các “linh hồn” người đã khuất.

“Mong được tạ lỗi với các vong”

Biết được ý định của tôi, ông Tuyến dẫn Tôi vào phòng khách, nơi có những tấm ảnh hiếm hoi của nhà nhiếp ảnh Vũ An Ninh ghi lại từ nạn đói năm đó. Tôi lạnh người khi tận mắt nhìn hình ảnh những người kéo xe chở đầy hài cốt, một bể mộ quy tập các bộ hài cốt, rồi hình ảnh người dân đào móng xây bể mộ… Một cảnh tượng mà những người trẻ tuổi như chúng tôi khó lòng có thể tưởng tượng được…

Ông Đặng Văn Tuyến, người trông coi khu tưởng niệm


Trông nom khu tưởng niệm “đặc biệt” này, ông Tuyến đã đón biết bao đoàn khách từ khắp nơi đến. Rất nhiều các nhà ngoại cảm được các gia đình nhờ đến đây tìm hài cốt người thân. Rồi các khách thập phương cũng đến đây hương khói khá nhiều trong những ngày rằm, mùng một. Ngày thường, ít người đến đây, nên ông Tuyến để số điện thoại và địa chỉ nhà ông ở ngoài. Ai đến, gọi điện thoại, trực tiếp ông hoặc sẽ có người nhà ra mở cửa. Nhiều lân, các sinh viên, du khách từ Mỹ, Nhật sang đã vào tận nhà ông…

Xương người chất thành đống không có chỗ chôn (ảnh tư liệu)


Giở cuốn sổ lưu niệm, mà hầu hết các trang lưu bút đều do những vị khách Nhật Bản lưu lại, ông Tuyến kể: “Người Nhật đến đây họ rất ăn năn. Khi nhìn những tấm ảnh này, họ đều lắc đầu lè lưỡi, rơi nước mắt. Có lần một đoàn 13 người Nhật tìm đến đây. Khi vào nhà, họ hỏi tôi lý do nhận công việc này, tôi bảo “đây là một thảm họa, là nỗi đau cho toàn dân Việt Nam. Chúng tôi là những thế hệ hậu sinh, nhìn cảnh này rất đau lòng, nên hàng ngày thu dọn, thắp nén tâm nhang cho các vong linh, hy vọng người ta siêu thoát...”. Những người trong đoàn bày tỏ: “Người Nhật đã gây ra thảm họa này. Tôi tuy không trực tiếp gây nên, nhưng chúng tôi đến đây mong được tạ lỗi với các vong”…”

Giới trẻ đang quên đi nỗi đau lịch sử?

“Nhiều nhà báo đến đây quay phóng sự, lúc đấy nhiều người ở ngay Hà Nội giật mình vì không biết ở đây có khu “bể mộ” khổng lồ như thế. Có người còn bảo “xem phóng sự xong, không thể ngủ được, sáng ra là bắt con chở một mạch xuống đây”. Đấy, người Hà Nội lớn tuổi còn không biết về khu tưởng niệm – “bể mộ” này, nói gì đến lớp trẻ hôm nay”, ông Tuyến thở dài ngao ngán.

Nạn đói năm 1945 đã lấy đi sinh mạng của hơn 2 triệu dân Việt Nam (ảnh tư liệu)


Nói về lớp trẻ, ông Tuyến giọng buồn rầu: “Giới trẻ bây giờ quên quá nhiều lịch sử rồi. Tôi mong muốn làm sao thế hệ trẻ biết, hiểu rõ về những việc như thế này. Con người ta không thể quên đi nguồn cội, quên đi lịch sử được”.

Khu tưởng niệm ngày xưa (ảnh tư liệu)


Ông Tuyến cũng đã đề xuất nên có những cuốn sổ nhỏ viết về di tích lịch sử này. Vì theo ông, “đây là di tích lịch sử, mọi thông tin cần phải được chuẩn hoá, chính xác, không thể để mỗi người hiểu một kiểu, nói một kiểu dẫn đến sai lệch đi được”.

Bài học cho tương lai

Rằm tháng 7, lễ vu lan không chỉ là ngày báo hiếu cha mẹ ông bà tổ tiên, mà còn là ngày để mọi người có thể giúp đỡ những linh hồn đói khát, ngày xá tội vong nhân. Vào ngày này, nhằm thể hiện tinh thần báo tứ trọng ân của người con Phật, lãnh đạo chính quyền, cùng các tăng ni phật tử, từ khắp nơi thường đến đây để cầu siêu cho các vong linh của nạn đói năm 1944-1945.

Lối đi vào khu tưởng niệm giờ đã được làm lại dễ đi hơn

Trước đây, đường vào khu tưởng niệm rất khó đi. Gần đây, để tạo thuận lợi cho khách thập phương đến tưởng nhớ, cầu an cho các vong linh, UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã thực hiện dự án Công trình tôn tạo, mở rộng và xây dựng đường đi vào di tích lịch sử nghĩa trang Hợp Thiện. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào ngày 13/9/2013 tới.

Chiều muộn. Khói hương từ khu tưởng niệm thoảng bay theo gió. Đứng trước khu “bể mộ”, tôi thầm khấn, mong các sinh linh được siêu thoát. Mong cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, biết rõ về lịch sử, để vươn lên, xây dựng đất nước, quê hương; để chắc chắn một điều rằng, thảm cảnh đau buồn năm xưa, sẽ không bao giờ lặp lại.

Khu tưởng niệm nạn nhân chết đói năm 1945 nguyên thủy là nghĩa trang Hợp Thiện, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 1951, người dân Hà Nội đã tự bảo nhau quy tập hài cốt của những người bị chết đói vào năm 1945 đưa về đây chôn cất và dựng chung một tấm bia lớn. Rồi những ngôi mộ ấy bị lãng quên giữa một nghĩa trang bỏ hoang trước sự thờ ơ của con người. Khi những cơn sốt nhà đất nổi lên, khu nghĩa trang bị co hẹp lại chỉ còn 158m2…

Vào năm 2001 có 3 sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội làm đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945”. Sau đó, vào tháng 9/2003, UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư cải tạo, xây dựng lại khu vực này. Khu di tích hiện nay có “bể mộ” cao hơn mặt đất gần 1 mét, sâu 4 mét và rộng gần 40m2. Phần trên "bể mộ" có bức tường được đắp mái, lợp ngói ống, cùng dòng chữ nổi “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945”.